Đường đến di tích: từ thành phố Nha Trang theo Quốc lộ 1A đi xuôi vào Nam khoảng 54km, đến nhà thờ Xuân Ninh rẽ trái khoảng 800m là đến di tích. Nếu đi từ thành phố Cam Ranh theo Quốc lộ 1A ra Bắc khoảng 6km, đến nhà thờ Xuân Ninh rẽ phải khoảng 800m là đến di tích.
Lăng Ông – đền Bà nay thuộc khu phố Xuân Ninh 2, phường Cam Phúc Nam, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Thuở ban đầu khi một bộ phận dân cư người Việt từ vùng Quảng Nam cho đến Bình Định, Phú Yên vào bán đảo Cam Ranh sinh cơ lập nghiệp, họ đã đặt tên thôn là Thạch An (tên ngọn núi ở đây). Sau khi đất nước thống nhất, một bộ phận dân cư khu phố Cam Ranh (thuộc bán đảo Cam Ranh) về đất liền sinh sống. Năm 1976, một bộ phận dân làng Xuân Ninh (Móng Cái, Quảng Ninh) cũng di cư vào đây. Vì vậy, làng Cam Xuân được lấy hai chữ đầu của Cam Ranh và Xuân Ninh ghép lại thành tên gọi của làng. Tên lăng – đền cũng được gọi theo tên làng Cam Xuân.
Lăng Ông - miếu Bà ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng là đánh bắt thuỷ hải sản nên khi xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, vị thần họ tôn thờ cũng gắn liền với nghề nghiệp của họ là thần Nam Hải. Làng nào vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp thường có thêm một vị thần nữa, nên làng Thạch An ngoài vị thần Nam Hải còn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, vị thần hướng dẫn con dân trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải. Khi chuyển về đất liền, người dân phối thờ thêm Quan Thánh, Tứ phủ, Tam toà Thánh Mẫu, đức Trần Hưng Đạo Đại vương…
Các công trình kiến trúc chính gồm: Nghi môn, án phong, võ ca, lăng Ông, đền Bà.
Tổng quan Lăng Ông - đền Bà Cam Xuân
Thông thường mỗi khi có một vị vua mới lên ngôi hay có sự kiện trọng đại, các vị thần được thờ cúng trong các di tích ở các địa phương cũng được ban tặng tước phẩm trong sắc phong thần để duy trì việc cai quản cũng như bảo hộ cho cư dân vùng đất đó. Lăng Ông – đền Bà đã được 11 lần phong sắc:
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), phong cho Nam Hải;
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 3 (1850), phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880), phong cho Nam Hải;
- Sắc phong đời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), phong cho Nam Hải;
- Sắc phong đời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1886), phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), phong cho Nam Hải;
- Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 5 (1911), phong cho Nam Hải;
- Sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho Nam Hải;
- Sắc phong đời vua Khải Định năm thứ 9 (1924), phong cho Thiên Y A Na.
Cho đến nay, lăng Ông – đền Bà vẫn giữ được những nét văn hoá truyền thống, duy trì đều đặn các nghi thức cúng kính, tổ chức lễ hội truyền thống diễn ra ngày 16/3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ Cầu ngư của bà con nhân dân để cầu mong một năm đánh bắt hải sản được bội thu và các ngư dân ra khơi luôn gặp may mắn sóng yên biển lặng.
Nghi lễ gồm: Lễ rước sắc, lễ nghinh thuỷ triều, lễ rước ông Nam Hải, lễ thỉnh sanh, lễ tế thần; phần hội có hát bội. Trong hát bội thường có hát Thứ lễ và hát Tôn vương.
Ngoài ra, trong năm lăng Ông – đền Bà còn có các lễ cúng:
- Ngày 12/2 âm lịch cúng ông Nam Hải;
- Ngày 24/3 âm lịch cúng ông Nhị Kiếm;
- Ngày 12/7 âm lịch cúng ông Nam Hải;
- Ngày 25/9 âm lịch cúng ông Nam Hải;
- Ngày 18/12 âm lịch cúng Bà.
Ghi nhận những giá trị của di tích, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-UBND ngày 21/11/2005 công nhận lăng Ông – đền Bà là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: