Hotline: (0258) 3813 758

ĐỊA ĐIỂM DI CHỈ KHẢO CỔ HÒA DIÊM

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Di tích địa điểm di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm thuộc thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, cách Trung tâm thành phố Cam Ranh khoảng 5 km về phía nam.

Di tích có toạ độ địa lý 11053’14.77” độ vĩ Bắc và 109006’35.14” độ kinh Đông, phân bố trên một cồn cát ven vịnh biển có độ cao khoảng 4m so với mặt nước biển. Khu vực phân bố di tích chủ yếu nằm tập trung ở xung quanh đình Hoà Diêm cũ (hiện nay đã di dời) và trên đất trồng hoa màu của người dân địa phương. Cũng bởi trên khu vực di chỉ còn tồn tại một ngôi đình cũ nên di chỉ còn được gọi với tên Hoà Diêm Đình hay Đình Hoà Diêm để phân biệt với các di chỉ được phát hiện ở thời gian sau này.

Hoà Diêm là di tích nằm trên cồn cát cao, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn n­ước ngọt cuả con sông Tà L­ưa và các bàu nước xung quanh vịnh Cam Ranh. Vì ở sát biển nên thức ăn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn biển như sò, ốc, hàu, cá… là “Văn hoá cồn sò điệp” tích tụ trong tầng văn hoá dày đặc vỏ nhuyễn thể biển; thêm nữa các vết tích xương, răng động vật từ Biển – Núi là thức ăn chính của cư dân ở đây.

Di chỉ được phát hiện vào tháng 2/1998, do đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học đi khảo sát các di tích thuộc văn hóa Chămpa ở ba tỉnh Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận). Trong đợt điền dã, đoàn đến thôn Hòa Diêm (nay là thôn Hòa Sơn), đã phát hiện một số mảnh gốm, vết tích đầu tiên của địa điểm khảo cổ học. Những năm sau đó (1999, 2002, 2007, 2010, 2011), Bảo tàng tỉnh thường xuyên phối hợp với Bảo tàng Quốc Gia, Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Waseda - Nhật Bản, tiến hành thám sát, khai quật, nghiên cứu di chỉ.

Căn cứ vào cuộc khai quật và kết hợp với kết quả của các đợt điều tra thám sát trước đó, các nhà khoa học nhận định: qua địa tầng di tích và di vật cho thấy Hoà Diêm là một di chỉ cư trú, đồng thời là khu mộ táng gồm nhiều loại hình mộ khác nhau mà mộ chum hình cầu là tiêu biểu nhất. Di chỉ cư trú phân bố trên một diện tích khá rộng, địa tầng của các hố đào đã thể hiện điều đó, có khu vực còn giữ lại vỏ nhuyễn thể, có nơi không có nhuyễn thể.

Nét đặc tr­ưng của di tích Hoà Diêm là khu mộ táng sát ngay trong khu cư­ trú. Mộ táng nằm ngay trong tầng văn hoá. Đặc điểm ở đây mộ táng chỉ thấy loại hình cầu, ch­ưa thấy loại hình trụ, hình thức chôn có thể phân thành từng cụm; có cụm mộ chum đơn lẻ; có cụm hai chum úp nhau chôn thẳng đứng, có loại nắp chum là kiểu giống­ bát mâm bồng, trong chum hầu hết chôn xương cốt với các hình thức mai táng một hay nhiều tử thi trong một chum. Có nhiều loại hình mộ khác nhau, đặc biệt các đồ tuỳ táng chôn theo gần giống với cách sắp xếp trong mộ chum văn hóa Sa Huỳnh với các di vật nh­ư đồ gốm, đồ sắt, đồ trang sức bằng đá mã não, hạt chuỗi bằng đá quý, thuỷ tinh, kim loại màu vàng.

Di vật tìm thấy ở địa điểm di chỉ khảo cổ Hòa Diêm 

 

Hầu hết mộ chum chôn trong tư thế thẳng đứng, không có dấu hiệu của việc chôn thành từng cụm hoặc hiện tượng song táng nhưng có hiện tượng mộ cắt phá nhau. Điều đó cho thấy khu di tích Hòa Diêm có nhiều giai đoạn dù rằng diễn tiến các giai đoạn này cách nhau rất ngắn.

Loại hình chum được sử dụng để chôn cũng khá đa dạng – phổ biến là chum hình cầu miệng khum, đường kính miệng hẹp, không có nắp, được ghè mép tạo nên miệng rộng hơn có lẽ để dễ dàng đưa di cốt người vào trong lòng chum. Bên cạnh đó còn có các loại hình chum khác - có thể lần đầu tiên các nhà khảo cổ học khai quật trong di tích có táng tục chum vò – đó là loại chum hình con tiện được trang trí hoa văn hình học rất phức tạp về cấu trúc, tinh tế với các đường nét và với một trình độ mỹ thuật cao trên bề mặt được tô màu và miết láng những vùng không trang trí văn, chum có nắp, nắp có núm cầm và trang trí hoa văn vẽ màu nâu đỏ. Tất cả những yếu tố trên tạo cho chum có một cấu trúc hài hòa, độc đáo và duy nhất chỉ có trong các di tích khảo cổ học ở Việt Nam có táng tục chum vò.

Qua diễn biến của di vật, cho thấy tầng văn hoá chỉ có một lớp. Tuy nhiên, về di tích có mộ chôn cùng trong tầng văn hoá nên có cơ sở để khẳng định mộ trong di chỉ có niên đại muộn hơn. Trên bề mặt tầng văn hoá lác đác có mảnh gốm ở những giai đoạn muộn hơn tuy không tạo thành lớp văn hoá nh­ưng cũng cho thấy toàn bộ di tích đã tồn tại trong khoảng thời gian dài.

Về không gian môi tr­ường, Hoà Diêm là khu vực có nhiều yếu tố thuận lợi cho các lớp cư­ dân sinh sống, địa thế trước biển - sau núi, có nguồn n­ước ngọt từ sông, suối trên cao nguyên đổ xuống hình thành đồng bằng ven biển ở vùng vịnh Cam Ranh thuận lợi cho sự giao l­ưu trao đổi với các nền văn hoá khác qua  đ­ường thuỷ và đ­ường bộ.

Về di vật, các cuộc khai quật đã thu đ­ược hàng vạn tiêu bản gồm các chất liệu khác nhau như:­ đồ đá, đồ gốm, xương, công cụ bằng vỏ nhuyễn thể, mộ chum, đồ trang sức… đã cho thấy Hoà Diêm ở giai đoạn này khá phồn thịnh. Các loại bình, nồi, bát bồng, âu... với nhiều kiểu dáng khác nhau, có trang trí hoa văn và không hoa văn, có những kiểu dáng tiếp thu và bảo l­ưu của giai đoạn trước có loại mang đặc điểm riêng biệt của Hoà Diêm. Mô típ trang trí là gọt (nạo) trên gờ vai các hình elíp đơn, đôi, ba, bên cạnh hoạ tiết in ấn bằng que nhiều răng đầu hình chữ nhật, vuông, tam giác, in mép sò với các bố cục khác nhau đã chứng tỏ sự sáng tạo của cư dân cổ Hoà Diêm thật phong phú.

Từ các kết quả nghiên cứu khai quật cho biết Hòa Diêm là di chỉ cư trú – mộ táng có niên đại từ sớm đến muộn, nhưng sự phân bố của các vết tích cư trú không trải rộng mà nằm tập trung thành các khu vực nhất định trong di chỉ [1]. Kết quả khai quật các đợt sau một lần nữa khẳng định niên đại của di tích khoảng trên dưới 2.000 năm cách ngày nay với phát hiện hai đồng tiền Ngũ Thù (Hán) trong mộ M6, cho thấy khu mộ Hòa Diêm có niên đại sớm nhất là tương đương khoảng thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ II. Niên đại này tương đương với văn hóa Sa Huỳnh muộn.

Tư liệu khai quật cho thấy Hoà Diêm là một mắt xích, một cầu nối quan trọng trong việc nghiên cứu tình hình phát triển văn hoá khảo cổ ở Khánh Hòa nói riêng và Miền trung Việt Nam nói chung. Với đặc trưng của di tích Hoà Diêm qua các loại hình di tích, di chỉ, mộ táng, di vật…. cho thấy quá trình phát triển của cư­ dân cổ Khánh Hoà thời Tiền - Sơ sử nhất là trong giai đoạn có sự giao thoa, hỗn dung, trao đổi mạnh mẽ của văn hoá của nhiều chủng tộc trong giai đoạn này. Thông qua di tích Hoà Diêm cho phép ta phần nào nhận biết được sự chuyển tiếp từ văn hoá Sa Huỳnh lên văn hoá Chăm Pa ở một địa phương, khu vực nhất định.

Qua nghiên cứu, đối chiếu, so sánh cho thấy: di tích và di vật ở Hòa Diêm không chỉ độc đáo mà còn thể hiện sự giao lưu văn hóa rộng rãi. Trước hết là đối với Việt Nam đó là sự tương đồng giữa chum táng nhóm 2 ở đây với những chum táng ở vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là với di chỉ Giồng Cá Vồ, Giồng Phệt. Ngoài ra, gốm Hòa Diêm còn thể hiện những nét tương đồng với một số địa điểm ở Đông Nam Á. Ngoài những đặc trưng, phong cách riêng thể hiện nổi bật một giai đoạn Hòa Diêm tiêu biểu, Di tích Hòa Diêm còn có những mối quan hệ rộng hơn, là sợi dây lịch sử liên kết với các di chỉ khác trong tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có thể nói rằng, những nét tương đồng này mới chỉ là những dấu hiệu cho thấy có thể đã có một sự giao lưu đơn thuần giữa Hòa Diêm và các vùng khác chứ chưa thể nói lên sự giao lưu ấy diễn ra theo chiều nào, (nơi nào là nơi tạo ảnh hưởng, nơi nào là nơi chịu ảnh hưởng).

Di tích Địa điểm di chỉ khảo cổ học Hòa Diêm có niên đại nằm trong khoảng từ thế kỷ V - IV trước Công nguyên đến thế kỷ I - II sau Công nguyên, đặc biệt có giá trị về mặt khoa học, thẩm mỹ, chứa đựng những nét đặc trưng về khu cư trú của cư dân thời Tiền - Sơ sử, cũng như hình thức mộ táng của những cư dân sinh sống ở đây. Di tích còn thể hiện rõ không gian văn hóa Cồn Bàu rất đặc trưng của khu vực Nam Trung Bộ. Những hiện vật khai quật được ở di chỉ như: Vỏ nhuyễn thể, mộ chum, đồ gốm tùy táng, đồ sắt tùy táng, các hạt chuỗi thủy tinh, đá, lục lạc đồng, vòng đồng, bếp lửa, mảnh gốm, xương động vật, vỏ sò, công cụ lao động... đã phần nào hé mở những thông tin về cuộc sống của cư dân cổ Hòa Diêm, cũng như nghi thức mai táng của họ.

Năm 2014, di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hang di tích Quốc gia tại quyết định số 4108/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/2014. Đây là di tích khảo cổ đầu tiên và duy nhất hiện nay được xếp hạng di tích cấp quốc gia ở Khánh hòa. Vì vậy trong những năm tới di tích rất cần sự quan tâm của nhân dân, các ngành, các cấp, các nhà chuyên môn trong công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị để phục vụ phát triền kinh tế du lịch ở địa phương. Điều đó sẽ góp phần biến nơi đây thành một điểm tham quan, nghiên cứu, học tập hấp dẫn về văn hóa Tiền – Sơ sử ở Khánh Hòa.

            Nguyễn Chí Khải

[1] Bùi Chí Hoàng, 2008, xem them Peter Bellwood 2007 và Robert Blust 2005 về niên đại đồ sắt.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
LĂNG ÔNG- ĐỀN BÀ CAM XUÂN
Lăng Ông - miếu Bà ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Nghề nghiệp chủ yếu của dân làng là đánh bắt thuỷ hải sản nên khi xây dựng các công trình kiến trúc tôn giáo, vị thần họ tôn thờ cũng gắn liền với nghề nghiệp của họ là thần Nam Hải. Làng nào vừa làm nông nghiệp vừa làm ngư nghiệp thường có thêm một vị thần nữa, nên làng Thạch An ngoài vị thần Nam Hải còn thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na.
ĐÌNH TRÀ LONG
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay).
TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN BA NGÒI
Di tích Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ngày nay thuộc tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình kiến trúc này đã được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng đấu tranh dành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trải qua thời gian, cùng với sự bào mòn của thiên nhiên và ảnh hưởng trong quá trình sử dụng nên di tích chỉ còn công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn.
ĐÌNH BÌNH BA
Đình Bình Ba tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng của thôn Bình Ba Tây, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách cảng Đá Bạc (Cam Ranh) khoảng 13 hải lý. Đình Bình Ba có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX, trải qua thời gian với những tác động của nhiều nguyên nhân đình bị hư hỏng nặng, năm 1991 trùng tu nhà tiền tế và nghi môn, năm 2009 trùng tu mái hậu điện.
ĐÌNH MỸ THANH
Đình Mỹ Thanh được xây dựng khi nào không ai còn nhớ rõ, nhưng căn cứ vào sắc phong hiện còn lưu giữ ở đình, có thể ít nhất đình ra đời khoảng đầu thế kỷ XIX. Lúc đầu, đình có tên là An Mỹ và được làm bằng tranh tre nứa lá, thuộc thôn An Mỹ, huyện Vĩnh Xương.
ĐÌNH KHÁNH CAM
Đình Khánh Cam có kết cấu kiến trúc mang đậm nét kiến trúc truyền thống vùng đất Khánh Hòa; hoa văn trang trí chủ yếu bằng các họa tiết vẽ, đắp nổi các linh vật như: tứ linh, tứ quý, cảnh quan thiên nhiên sông nước, núi non sơn thủy hữu tình…
LĂNG NAM HẢI BÌNH BA
Làng Bình Ba nằm dưới chân của 3 ngọn núi chụm lại, là núi Ma Du, Hòn Cò và Mũi Nam. Truyền thuyết của ngư dân nơi đây kể lại rằng: núi Ma Du sở dĩ có tên gọi như vậy là vì xưa kia ở đây có người nấu rượu và ông ta sợ kẻ trộm tới cắp rượu nên đã đặt tên núi là “Ma Du” để hù dọa kẻ trộm khỏi lui tới; núi Hòn Cò là do chim cò thường tới đây ở, nên nhân dân gọi là Hòn Cò; núi Mũi Nam là do nằm về phía Nam của làng