Hotline: (0258) 3813 758

LĂNG NAM HẢI BÌNH BA

19/01/2018 00:00        
Đọc tin

Lăng Nam Hải Bình Ba nằm trên đảo Bình Ba, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Làng Bình Ba nằm dưới chân của 3 ngọn núi chụm lại, là núi Ma Du, Hòn Cò và Mũi Nam. Truyền thuyết của ngư dân nơi đây kể lại rằng: núi Ma Du sở dĩ có tên gọi như vậy là vì xưa kia ở đây có người nấu rượu và ông ta sợ kẻ trộm tới cắp rượu nên đã đặt tên núi là “Ma Du” để hù dọa kẻ trộm khỏi lui tới; núi Hòn Cò là do chim cò thường tới đây ở, nên nhân dân gọi là Hòn Cò; núi Mũi Nam là do nằm về phía Nam của làng. Còn chữ Bình Ba, thì theo người dân kể lại cho con cháu: chữ “Bình” có thể là “bình yên” hoặc Bình Định vì họ cho rằng cha ông họ di cư từ vùng đất Bình Định vào đây sinh sống, lập nghiệp từ khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế 18. Sau khi quy dân, lập làng, dân cư ngày một đông đúc, sống bằng nghề đi biển đánh bắt hải sản. Khoảng đầu thế kỷ 18, dân làng cất lăng Nam Hải bằng tranh tre, vách đất để phụng thờ “ông Nam Hải”, trải qua thời gian lăng dần được tu bổ, đến năm 1992 sửa chữa lớn và xây lăng quy mô như ngày nay.

Hiện nay, Lăng còn lưu giữ 04 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban tặng:
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1980) phong cho Ông Nam Hải
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Ông Nam Hải
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Ông Nam Hải
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Ông Nam Hải

Lăng Nam Hải Bình Ba nằm gần mép nước biển phía Nam của làng, Lăng được xây dựng đồ sộ, quy mô bằng đá san hô, gạch vôi vữa. Lăng có kết cấu kiểu chữ “Nhị” (=), phía trước là Tiền tế, trong là chính điện (điện thờ). Lăng quay hướng Bắc, lưng dựa vào núi, ba phía xung quanh là khu dân cư sinh sống.

Nhìn tổng thể từ ngoài vào, lăng Nam Hải Bình Ba có các hạng mục công trình sau: Nghi môn, án phong, võ ca, tiền tế, chính điện và nhà đông.

 

Nghi môn (cổng): xây dựng lớn với 3 cửa ra vào, ở giữa là cửa lớn, hai bên là cửa nhỏ hơn, phía trên xây hệ mái theo kiểu Cổ lầu chồng diêm, mái đắp ngói giả kiểu ngói liệt; trên bờ nóc gắn hình lưỡng long tranh châu, đầu hồi của mái đắp hình đầu hổ phù, từ cột ngoài của nghi môn xây tường bao hình vuông xung quanh Lăng. Bên trong nghi môn là án phong lớn xây cách điệu, ở giữa là án, hai bên là cửa uốn vòm đi vào trong, trên đầu trụ của án phong đắp hình 4 búp Sen, mặt trước vẽ hình một con rồng, mặt trong vẽ hình chữ “Phúc”.

Võ ca chỉ xây nền cao, rộng gần hết sân Lăng, không xây tường bao cũng không làm hệ mái.

Lăng gồm hai phần: Tiền tế và chính điện xây liền kề với nhau, nhà xây kiểu nhà tường hồi bít đốc. Mặt trước tiền tế có 3 cửa lớn, các cánh cửa này không làm cánh cửa mà dùng các ván gỗ ghép lại khi cần đóng. Trên đầu cửa giữa đắp cuốn thư lớn, trên đắp hình “Lưỡng long tranh châu”, mặt trước vẽ tranh “kết nghĩa vườn đào” giữa Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi, cảnh Bát Tiên, Quan Công kích Tào, Quan Công phò nhị tẩu…

Chính điện xây liền kề với tiền tế, mặt trước để thông không xây tường bao. Bên trong đặt bàn thờ lớn, trên đặt long ngai bằng gỗ, bên dưới đặt các hòm (quách) đựng cốt (xương) cá voi, ở giữa là một cái hòm gỗ lớn dài 2,60m, rộng 1,36m, cao 0,90m bên trong đựng xương đầu cá voi, bên cạnh đặt 16 cái hòm nhỏ hơn đựng xương cá voi đã trôi dạt vào đây qua nhiều thế hệ.

Lễ cúng trong năm diễn ra tại lăng Nam Hải Bình Ba nhiều lần như: cúng mở cửa Lăng, cúng Ông Nhỏ, cúng Cô nhập Lăng… Đặc biệt, ngày 10 tháng 7 âm lịch hàng năm tổ chức đại lễ và cứ 2 năm thì tổ chức hát bội (có năm hát 4 ngày đêm).

Tín ngưỡng thờ cá voi (Ông Nam Hải) độc đáo của ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên dải đất miền Trung chứa đựng những giá trị về văn hóa sinh hoạt tâm linh của cư dân ven biển.

Năm 2006, UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Lăng Nam Hải Bình Ba là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

 Hoàng Quý

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐỊA ĐIỂM DI CHỈ KHẢO CỔ HÒA DIÊM
Hoà Diêm là di tích nằm trên cồn cát cao, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn nước ngọt cuả con sông Tà Lưa và các bàu nước xung quanh vịnh Cam Ranh. Vì ở sát biển nên thức ăn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn biển như sò, ốc, hàu, cá… là “Văn hoá cồn sò điệp” tích tụ trong tầng văn hoá dày đặc vỏ nhuyễn thể biển; thêm nữa các vết tích xương, răng động vật từ Biển – Núi là thức ăn chính của cư dân ở đây.
ĐÌNH TRÀ LONG
Đình Trà Long khởi dựng khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, ở Đồng Lác, là nơi người dân đến khai hoang phát nương làm rẫy. Lúc đó, đình được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sau một thời gian, làng xóm phát triển và dân cư tập trung đông đúc ở khu vực Ba Ngòi, cùng lúc đình bị xuống cấp nên dân làng dời đình về khu đất gần bờ biển (xóm Trà Long cũ – phía nam cầu Trà Long hiện nay).
TRỤ SỞ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁCH MẠNG LÂM THỜI HUYỆN BA NGÒI
Di tích Trụ sở UBND Cách mạng lâm thời huyện Ba Ngòi ngày nay thuộc tổ dân phố Xóm Cồn, phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Công trình kiến trúc này đã được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử cách mạng đấu tranh dành độc lập dân tộc của nhân dân ta. Trải qua thời gian, cùng với sự bào mòn của thiên nhiên và ảnh hưởng trong quá trình sử dụng nên di tích chỉ còn công trình kiến trúc tương đối nguyên vẹn.
ĐÌNH BÌNH BA
Đình Bình Ba tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng của thôn Bình Ba Tây, thuộc xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách cảng Đá Bạc (Cam Ranh) khoảng 13 hải lý. Đình Bình Ba có niên đại khoảng giữa thế kỷ XIX, trải qua thời gian với những tác động của nhiều nguyên nhân đình bị hư hỏng nặng, năm 1991 trùng tu nhà tiền tế và nghi môn, năm 2009 trùng tu mái hậu điện.
ĐÌNH KHÁNH CAM
Đình Khánh Cam có kết cấu kiến trúc mang đậm nét kiến trúc truyền thống vùng đất Khánh Hòa; hoa văn trang trí chủ yếu bằng các họa tiết vẽ, đắp nổi các linh vật như: tứ linh, tứ quý, cảnh quan thiên nhiên sông nước, núi non sơn thủy hữu tình…