Ngày 14 tháng 10 được ba tổ chức tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, gồm: Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO - Inernational Organization for Standardization), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC - Inernational Electrotechnical Commission) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU - Inernational Telecommunication Union) thống nhất chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Đây là ngày để tôn vinh những nỗ lực hợp tác của hàng nghìn chuyên gia và các tổ chức trên toàn thế giới, những người đã phát triển các thỏa thuận kỹ thuật tự nguyện được công bố dưới dạng Tiêu chuẩn Quốc tế. Mục tiêu của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêu chuẩn hóa toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới cũng như thúc đẩy vai trò của nó trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, ngành công nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Ngày Tiêu chuẩn Thế giới cũng là ngày tri ân hàng nghìn tình nguyện viên trên khắp thế giới tham gia vào các hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Mỗi năm, vào ngày 14 tháng 10, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ISO, IEC và ITU, trong đó có Việt Nam, cùng hưởng ứng và tổ chức kỷ niệm ngày Tiêu chuẩn Thế giới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Từ năm 2021, ba tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế hàng đầu cùng thống nhất chủ đề và thông điệp là “Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs – Our shared vision for a better world)” như một hành trình kéo dài nhiều năm. Chủ đề này nhằm thể hiện vai trò của tiêu chuẩn trong việc đóng góp công cụ để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Đó là những mục tiêu toàn cầu, là mục tiêu phổ quát được thiết kế nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo rằng tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc.
NỘI DUNG THÔNG ĐIỆP NGÀY TIÊU CHUẨN THẾ GIỚI 14/10/2022
“Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) - Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu, hàm chứa nhiều tham vọng. Để đạt được các Mục tiêu này sẽ đòi hỏi có sự hợp tác của nhiều đối tác nhà nước và tư nhân, đồng thời cần sử dụng tất cả các công cụ sẵn có, bao gồm cả các tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp.
Cuộc chiến căng thẳng chống lại đại dịch toàn cầu dai dẳng cho thấy sự cần thiết phải giải quyết các Mục tiêu Phát triển Bền vững một cách bao trùm, nhằm củng cố các cộng đồng xã hội, làm cho chúng trở nên kiên cường hơn và công bằng hơn. Giờ đây, chúng tôi đề nghị bạn tham gia cùng chúng tôi trong một sứ mệnh khẳng định tầm quan trọng của các Mục tiêu Phát triển Bền vững để có thể gầy dựng trở lại tốt đẹp hơn trước. Trong quá trình theo đuổi mục tiêu này, tiêu chuẩn càng trở nên thích hợp và cần thiết hơn bao giờ hết.
Toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên sự cộng tác. Đó là minh chứng cho sức mạnh của sự hợp tác và niềm tin rằng chúng ta mạnh hơn tổng thể các bộ phận hợp thành. Bằng cách hợp tác cùng nhau, chúng ta đang trao quyền cho mọi người với những giải pháp trong thế giới thực để đối mặt trực tiếp với các thách thức về tính bền vững.
Với tinh thần này, chúng ta đang tham gia vào một hành trình Ngày Tiêu chuẩn Thế giới kéo dài nhiều năm nhằm thể hiện nhiều cách thức mà các tiêu chuẩn quốc tế đóng góp vào sự thành công của các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Chúng ta hợp tác cùng nhau để đẩy nhanh Chương trình nghị sự 2030, với các tiêu chuẩn phục vụ các SDG và “Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn” của chúng ta