Đình Võ Kiện thuộc thôn Võ Kiện, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc xã Võ Cang Tây, tổng Hạ, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh).
Đình tọa lạc ở đầu thôn, xưa kia đình được dựng trên khoảng đất giáp ranh giữa hai làng Võ Cang Đông (Võ Dõng) và Võ Cang Tây (Võ Kiện). Ngày nay, nền đất đình còn vết tích nền gạch cũ, ẩn dưới ruộng lúa mà tục danh gọi là đất Gò Đình. Năm 1820, đình Võ Kiện được dời về khu đất tục danh gọi là đất Đồng Móc, địa điểm đình tọa lạc hiện nay.
Đình Võ Kiện được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, để thờ Bản Cảnh Thành Hoàng, Đại càn Quốc gia Nam Hải, Ngũ hành, Tiền hiền, Hậu hiền…
Trải qua thời gian với những thăng trầm của lịch sử, cùng sự khắc nghiệt của thời tiết đã làm cho ngôi đình xuống cấp và nhân dân đã nhiều lần được tu bổ di tích. Năm 1954, tu bổ đình. Năm 1973, tu bổ đình xây tường gạch, xi măng, lợp lại ngói.
Di tích tọa lạc trên một khuôn viên rộng 1.371m2, các đơn nguyên kiến trúc được bố trí dàn trải theo chiều rộng gồm: Nghi môn, án phong, sân đình, đại đình, nhà đông, miếu Tiền hiền, miếu Sơn Lâm và miếu Ngũ hành. Các công trình kiến trúc đều quay hướng Đông Bắc.
Đình Võ Kiện
Đại đình được bố cục theo kiểu chữ nhị gồm 2 phần: Tiền tế và chính điện. Tiền tế được thiết kế kiểu nhà một gian hai chái, có diện tích 34,05m2, với ba cửa vào, cánh được làm bằng gỗ. Tiền tế là nơi nhân dân tế các lễ vật lên Thần mỗi khi diễn ra lễ hội. Chính giữa bờ nóc của tiền tế trang trí đắp nổi “Cá chép vượt vũ môn”, hai bên bờ nóc được thiết kế khá độc đáo với bốn “đầu Rồng”, hướng về hai phía; trên các bờ dải trang trí hình rồng vân mây cách điệu.
Chính điện cũng được thiết kế kiểu một gian hai chái, có diện tích 50,02m2. Chính giữa bờ nóc trang trí đắp nổi hình “Lưỡng long chầu nguyệt”, phía dưới là hình “Hổ Phù”, hai bên là hình bốn linh vật “Lân chầu”, các bờ dải trang trí hình rồng vân mây cách điệu.
Tiền tế và chính điện có tất cả có bốn bộ vì, được làm theo kiểu vì bụng lợn truyền thống, tám cột cái và hai cột quân, cùng với hệ thống hoành, rui, mè, thanh xuyên… liên kết với nhau qua các lỗ mộng, được thiết kế khoa học, tạo ra một hệ thống chịu lực vững chắc bằng khung gỗ.
Một điều đặc biệt có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa là đình Võ Kiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật cổ. Các di vật ở đây khá phong phú về thể loại và chất liệu như: 11 một sắc phong các thời kỳ vua triều Nguyễn, khám thờ thần, long đình, đôi lọng, lỗ bộ, chiêng, trống, thanh la…Ngoài ra, đình cũng lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể: các nghi thức, nghi lễ cúng kính, các bài văn cúng, các bản nhạc cúng… Các sắc phong gồm:
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Đại càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần;
- Sắc Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Cao Các;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Cao Các;
- Sắc Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Đại càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Cao Các;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Đại càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Đại càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần;
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Cao Các;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Đại càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Cao Các;
- Sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Ngũ hành.
Chính điện đình Võ Kiện
Đình làng Võ Kiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ.
Hàng năm vào hai ngày mồng 9 và 10 tháng 3 âm lịch nhân dân tổ chức lễ hội, ngoài phần lễ còn có phần hội (hát bội) để phục vụ bà con nhân dân vui chơi, thưởng thức.
Với những giá trị tiêu biểu trên di tích đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2862/QĐ-UBND, ngày 11/11/2009 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: