Đình Diên Toàn thuộc xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, đình được gọi theo tên làng là đình Phước Trạch. Sau này, xã Diên Toàn chỉ còn duy nhất đình Phước Trạch tồn tại đến ngày nay và năm 1993, đình bị xuống cấp nên nhân dân trong xã đóng góp trùng tu đình và UBND xã Diên Toàn thể theo nguyện vọng nhân dân đổi tên đình Phước Trạch thành đình Diên Toàn, với ý nghĩa đình của chung xã Diên Toàn.
Theo khế ước đất đai bằng chữ Hán Nôm của dòng họ Võ hiện ông Võ Nhân (ở thôn Phước Trạch, xã Diên Toàn) còn lưu giữ thì dưới thời Tây Sơn năm Thái Đức thứ 13 (1799) lúc đó Diên Toàn là xã Phú Thọ, tổng Trung, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh và văn bản này có ghi nội dung: danh khiển xã tức Võ Văn Hớn có một thửa ruộng năm sào ở xứ Ao Xanh đông cận đập Gò Đình... Như vậy, cuối thế kỷ XVIII đình đã có rồi và tên đình theo tên xã là Phú Thọ.
Khi Gia Long lên ngôi lập nên nhà Nguyễn đã ra chỉ dụ bỏ tất cả những gì của nhà Tây Sơn để lại, kể cả tên làng cũng thay đổi. Căn cứ vào châu bộ năm Gia Long thứ 10 (1811), Diên Toàn lúc đó là Phước Thọ xã.
Đến đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852), đình thuộc xã Phước Trạch, huyện Vĩnh Xương; đến đời Khải Định năm thứ chín (1924) vẫn thuộc xã Phước Trạch, tổng Trung Cát, huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.
Theo lời kể của các cụ hào lão: năm Tự Đức thứ 34 (1881) một trận lũ lụt đã làm trôi đổ đình và mất một số từ khí nên dân làng dời đình về đồng Bồ Đề. Theo tư liệu Hán Nôm hiện gia đình ông Võ Nhân còn lưu giữ có liên quan đến đất đình: ông Lý trưởng Nguyễn Văn Lợi có con rể là Võ Văn Khánh và đã cho vợ chồng con gái, con rể một ít đất đai để làm ăn, sinh sống. Năm Duy Tân thứ 7 (1913) ông Võ Văn Khánh đã phụng cúng một sào về hướng Bắc cho làng. Đến năm Khải Định thứ 3 (1918) hào lý trong làng đã làm tờ trình xin phê diện tích đất đó làm công thổ của đình. Từ đó, đình được dời về đây và không thay đổi vị trí cho đến nay, thuộc thôn Phước Trạch, xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Đến nay, đình được trùng tu và di dời vào các năm:
- Năm 1881, đình bị lũ lụt cuốn trôi nên dời từ Gò Đình về đồng Bồ Đề;
- Năm 1918, dời đình từ đồng Bồ Đề về vị trí hiện nay;
- Năm 1935, trùng tu đình: xây thêm bái đường, Miếu Thiên Y và miếu Tiền hiền, quét vôi.
- Năm 1954, trùng tu nhỏ;
- Năm 1966, tu bổ lợp ngói, quét vôi, làm sân, xây án phong.
- Năm 1992 – 1993: đại trùng tu đình: cột đỡ cổ lầu thay cột gỗ bằng bê tông, thay ngói, xây tam quan, cột cờ, án phong, lát gạch nền.
Đình Diên Toàn được xây dựng trong khuôn viên rộng 3.835 m2, để thờ Thành Hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thiên Y A Na, Tiền bối, Hậu bối, liệt sỹ, âm hồn. Dân làng Phước Trạch tôn phụng Tiền hiền của làng là ông Võ Văn Thái.
Chính điện đình Diên Toàn
Di tích có các công trình kiến trúc sau: Nghi môn, án phong, đại đình, miếu Tiền hiền và miếu Thiên Y, nhà đông, miếu Thanh minh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tại đình làng Phước Trạch là địa điểm hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng ở địa phương.
Ngày nay, đình Diên Toàn còn gìn giữ được 08 sắc phong do các đời vua Tự Đức, Duy Tân, Đồng Khánh, Khải Định triều Nguyễn ban tặng, bao gồm:
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 5 (1852) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Sắc phong đời vua Tự Đức năm thứ 33 (1880) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Sắc phong đời vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Sắc phong đời vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887) phong cho Bản cảnh Thành hoàng.
- Bốn sắc Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho Bản cảnh Thành Hoàng và Thiên Y A Na Diễn ngọc phi.
Theo truyền thống hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 16/2 âm lịch đến 18/2 âm lịch và cứ ba năm tổ chức hát bội một lần; trong đó, có múa dâng bông và các trò chơi dân gian như: thả bắt vịt dưới nước, kéo co, nhảy bao bố, đập bao bong bóng, thi nấu ăn của các chi hội phụ nữ thôn.
Ngày 11/11/2009, đình Diên Toàn được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Nguyễn Thị Hồng Tâm
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: