Hotline: (0258) 3813 758

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM XƯỞNG QUÂN GIỚI ĐỒNG TRĂN

15/02/2021 00:00        
Đọc tin

Xưởng Quân giới Đồng Trăn tọa lạc tại xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Lịch sử hình thành di tích

          Năm 1945, sau khi Việt Nam giành độc lập dân tộc, giặc Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Khánh Hòa cùng cả nước lại chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa thành lập Xưởng Quân giới để sửa chữa, chế tạo các loại vũ khí phục vụ chiến đấu chống Pháp ở Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa trong những năm 1945 – 1946.

          “Tháng 9/1945, Xưởng sản xuất vũ khí Đồng Trăn được thành lập. Đây là một trong những xưởng sản xuất vũ khí đầu tiên ở Nam Trung Bộ. Cơ sở sản xuất đặt tại xưởng chế biến mủ cao su của chủ đồn điền người Pháp Bu–lăng-giô (Boulanjot) lấy đó làm xưởng chính, xung quanh có các ban rèn, đúc, ban vũ khí, pha chế thuốc nổ, làm lựu đạn”.

Đặc điểm di tích

          Xưởng vũ khí Đồng Trăn nằm trong đồn điền cao su Đồng Trăn của chủ người Pháp Bu-lăng-giô (Boulanjot) trở thành khu căn cứ cách mạng của ta, ngôi nhà xây gạch của chủ đồn điền trở thành trụ sở cơ quan cách mạng, trước sân treo lá cờ đỏ sao vàng. Xưởng có hơn 50 người ở các ban vũ khí, ban rèn, tổ may quần áo bảo hộ lao động, tổ cấp dưỡng và quân y. Đó là những người thợ thuộc nhiều ngành nghề khác nhau gia nhập vào ngành Quân giới. Sau đó, xưởng được tổ chức thành các dây chuyền sản xuất gồm các ban: Máy, nguội, điện, tiện, đúc, hàn gò, hóa chất và các bộ phận khác.

          Máy móc trang bị của xưởng, ngoài số thiết bị máy móc của xưởng cao su, phần lớn là lấy ở gara Phú Xuân Long do ông Nguyễn Ngọc Vinh và Phan Hữu Lộc hiến cho cách mạng. Xưởng quân giới do 2 đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và Phan Bá Đồng phụ trách. Thành phần của xưởng gồm anh em công nhân cơ khí Nha Trang, công nhân tự do của thị xã như thợ chữa xe đạp, thợ kim hoàn, thợ may, thợ khắc dấu đồng, thợ gara Phú Xuân Long, gara Trần Ngọc Tân, một số công nhân cơ khí Hải học viện Nha Trang (Viện Hải dương học), Sở thuốc Pasteur, ngoài ra một số công chức chính quyền cũ đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia phục vụ cách mạng. Xưởng sửa chữa các loại súng trường, súng liên thanh, làm các chi tiết súng tiểu liên, ép vỏ đạn, nghiên cứu sản xuất thuốc và đạn các loại, sản xuất lựu đạn theo kiểu lựu đạn Mỹ và lựu đạn có cánh. Ban đầu đồng chí Nguyễn Xuân Thắng người được giao nhiệm vụ xưởng trưởng gợi ý lấy tên Xưởng Quân giới Nguyễn Trường Tộ (nhà kỹ thuật, người đề đạt cải tiến nền kinh tế lạc hậu nước ta dưới triều vua Tự Đức, 1848 – 1883); sau đó đổi sang Vân Tràng quân giới, một địa danh ở Hà Tĩnh, nơi mà Cao Thắng chế ra khẩu súng trường Việt Nam theo kiểu 1874 của Pháp, dưới thời Phan Đình Phùng lãnh đạo khởi nghĩa Hương Khê, 1885 - 1896. Tuy nhiên, mọi người ở đây vẫn quen gọi là Xưởng Quân giới Đồng Trăn.

          Tháng 11/1945, trong một cuộc thử nghiệm loại lựu đạn mới sản xuất, đồng chí Phan Bá Đồng hy sinh, tiếp theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng bị thương và hy sinh. Ghi nhận sự hy sinh của 2 đồng chí, anh em công nhân quyết định gọi Xưởng Quân giới Đồng Trăn là Xưởng Quân giới Đồng – Thắng để tưởng nhớ đồng chí Đồng và đồng chí Thắng.

          Như vậy, Xưởng Quân giới Đồng Trăn không chỉ là nơi sửa chữa, sản xuất vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mà nơi đây còn là nơi tập luyện quân sự của bộ đội, nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng ở địa phương. Trong Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa 101 ngày đêm (23/10/1945 – 01/02/1946) kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt cho Chính phủ, nhận ủy lạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thị sát Mặt trận chỉ đạo: Sức mạnh chủ yếu của chúng ta là ở phòng tuyến lòng dân. Sắp tới, thực dân Pháp sẽ tăng viện, mở cuộc tiến công mới. Ta cần thấy trước, điều chỉnh ngay sự bố trí và thay đổi phương thức tác chiến. Không thể giữ mãi các phòng tuyến hiện nay mà phải chủ động rút đại bộ phận chủ lực ra ngoài, chỉ để một bộ phận nhỏ bám đánh địch. Cần tổ chức những đơn vị cơ động đánh địch bằng các hình thức tập kích, phục kích, tiêu hao sinh lực địch, kể cả trong thành phố. Cần tổ chức mọi vùng, mọi làng đều thành làng xã chiến đấu, tạo nên thế trận của toàn dân đánh giặc. Đồng thời tỉnh nên chủ động xây dựng căn cứ kháng chiến ở vùng Đất Sét – Đồng Trăn.

Ý kiến của tôi được các anh trong tỉnh hoàn toàn nhất trí và khẩn trương tổ chức thực hiện

Sau khi Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa bị vỡ, chiều và tối ngày 01/02/1946, các cơ quan đầu não trong Thành Diên Khánh, các cơ quan Đảng, Đoàn thể và Mặt trận ở phía Đại Điền rút lên Đồng Trăn an toàn.

Sáng ngày 02/02/1946, từ Thành quân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên Đồng Trăn và qua phía Bắc sông Cái khu vực bến đò Thành, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não của tỉnh và lực lượng vũ trang ta. Hỏa lực của máy bay và đại bác từ các trận địa pháo ở các điểm cao quanh thị xã Nha Trang và tàu Risơliơ bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công. Bộ đội Nam Tiến Bắc - Bắc và bộ đội địa phương đánh quân địch tại Cầu Đôi và bến đò Thành. Mặc dù gặp lúc trời mưa lớn, công sự ngập nước, phải chiến đấu dưới tầm bom đạn ác liệt nhưng bộ đội ta không nao núng, bình tĩnh, dũng cảm đẩy lùi tất cả các đợt tấn công ào ạt của quân Pháp, buộc chúng phải lui về khu vực Thành.

Các đơn vị tự vệ Nha Trang, Vĩnh Xương rút lên vùng núi Chín Khúc, xây dựng cơ sở đứng chân tại núi Đồng Bò. Sở chỉ huy mặt trận cùng các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận rút lên vùng Đồng Trăn - Đất Sét.

Cuộc chiến đấu bao vây quân Pháp 101 ngày đêm tại Mặt trận Nha Trang chấm dứt. Quân và dân Khánh Hòa được sự chi viện của cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương giao phó. Nhân kỷ niệm tròn 1 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/1945, Bác Hồ gửi thư khen các chiến sĩ Mặt trận Miền Nam, các chiến sĩ Mặt trận Nha Trang:“Chính phủ dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ các Mặt trận Miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc.

Tổ quốc biết ơn các bạn.

Toàn thể đồng bào noi gương các bạn”.

khu-vuc-bia-quan-gioi-dong-tranKhu vực Bia Quân giới Đồng Trăn -  Ảnh: Hoàng Quý

Khu vực Đồng Trăn có địa hình bằng phẳng, phía Tây là đồi núi bao bọc, phía Đông là sông Cái uốn quanh tạo thành vòng cung. Nơi đây, hiện nay là cánh đồng hoa màu và khu dân cư sinh sống, không còn rừng cao su, nhà xưởng nơi làm trụ sở chế tạo vũ khí trước đây.

Để ghi nhớ về sự kiện lịch sử, nơi đã từng là một trong những xưởng sửa chữa, sản xuất vũ khí lớn đầu tiên của Nam Trung Bộ, năm 1998, Sở Văn hóa và Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) xây dựng bia lưu niệm di tích trên diện tích 765,8m2 ghi lại lịch sử Xưởng Quân giới Đồng Trăn.

Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Xưởng Quân giới Đồng Trăn không chỉ có giá trị to lớn đối với việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, mà nơi đây còn là địa chỉ đỏ “Du lịch về nguồn”, là niềm tự hào của chúng ta trong cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Ghi nhận những giá trị lịch sử về đấu tranh cách mạng của quân và dân trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Địa điểm Xưởng quân giới Đồng Trăn, xã Diên Đồng, huyện Diên Khánh được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định xếp hạng số 3320/QĐ-CT.UBND ngày 14/12/2020 là Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm sự kiện.

                                                                             HOÀNG QUÝ

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
MIẾU CÂY KÉ
Miếu Cây Ké tọa lạc trong khóm Phú Lộc Tây 1, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Miếu còn có tên gọi là miếu Thiên Y A Na, hay miếu Ấp Trung, được xây dựng vào thế kỷ XIX để thờ Bà Thiên Y A Na. Ngoài ra, miếu còn phối thờ Tôn Thần Thanh Linh Thuần Đức, Thái Giám Bạch Mã Tôn Thần, Thần Đương Cảnh Thành Hoàng.
ĐÌNH DIÊN TOÀN
Đình Diên Toàn thuộc xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Trước đây, đình được gọi theo tên làng là đình Phước Trạch. Sau này, xã Diên Toàn chỉ còn duy nhất đình Phước Trạch tồn tại đến ngày nay và năm 1993, đình bị xuống cấp nên nhân dân trong xã đóng góp trùng tu đình và UBND xã Diên Toàn thể theo nguyện vọng nhân dân đổi tên đình Phước Trạch thành đình Diên Toàn, với ý nghĩa đình của chung xã Diên Toàn.
ĐÌNH VÕ KIỆN
Đình làng Võ Kiện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược cũng là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử. Ngôi đình là nơi hội họp của nhân dân, tổ chức huấn luyện lực lượng phòng vệ, nơi diễn ra các cuộc mít tinh của mặt trận Việt Minh kêu gọi quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở làng xã, huyện lỵ.
ĐỀN THỜ THÁI TỬ
Đền thờ Thái Tử là một tiểu đình, mái ngói, cột sàn tứ diện thông phong đứng che một tảng đá trên một đống đá tự nhiên. Xung quanh gồm có từ khí, từ vật là một bàn cờ bằng đá có đủ bộ, con cờ cũng bằng đá, một đôi hài bằng đá và một bộ cối chày đá và nơi đây được truyền tụng là rất linh thiêng.
ĐÌNH AN ĐỊNH
Di tích tọa lạc tại thôn An Định, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa (xưa thuộc An Định xã, tổng Thượng, huyện Phước Điền, phủ Diên Khánh). Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử, đình An Định được khởi dựng khoảng cuối thế kỷ XIX, để thờ Tần Vương Đại Càn Thái Tử, Sơn Lâm Chúa tướng, Tiền hiền, Hậu hiền…