Hotline: (0258) 3813 758

MIẾU TRỊNH PHONG

29/11/2018 00:00        
Đọc tin

Miếu Trịnh Phong tọa lạc giữa thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh. Từ thành phố Nha Trang, theo đường 23/10 lên đến ngã tư Thành Diên Khánh là đến di tích, bên trái, cạnh cây Dầu Đôi to lớn đứng sừng sững bên đường 23/10.

* Cuộc đời và sự nghiệp của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong

Trịnh Phong sinh ra ở làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương[1]. Thuở nhỏ, ông là người thông minh, học giỏi. Năm 1864, ông thi đậu Cử nhân võ và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Đề đốc, nhậm chức tại Quảng Nam.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng. Sau đó, chúng chiếm được Lục tỉnh Nam Kỳ và có tham vọng chiếm luôn cả vùng đất thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn. Trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, trong khi triều đình nhà Nguyễn chia làm hai phe gồm phe chủ chiến và phe chủ hòa nên ông đã từ quan, trở về quê hương nung nấu ý chí, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược.

Sau Hiệp ước Patenôtre năm1884, Khánh Hòa là tỉnh thuộc vùng quản lý của triều đình nhà Nguyễn (thuộc Trung Kỳ). Năm 1885, vua Hàm Nghi lên ngôi, là một vị vua trẻ có lòng yêu nước, được Tôn Thất Thuyết – vị quan theo phái chủ chiến ở triều đình ủng hộ. Năm 1885, cuộc phản công ở Kinh thành Huế do Tôn Thất Thuyết chỉ huy đã nổ súng tấn công quân Pháp. Tuy không thành công, vua quan nhà Nguyễn không từ bỏ ý chí, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, chuẩn bị kháng chiến lâu dài và ban Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước.

Chiếu Cần Vương như một hiệu lệnh thống nhất cho phong trào yêu nước ở các địa phương. Trên phạm vi cả nước, nhân dân đã nổi dậy kháng chiến ở nhiều nơi, phong trào phát triển ngày một mạnh mẽ và được các sĩ phu cả nước hưởng ứng.

Tại Khánh Hòa, Trịnh Phong đã cùng các ông: Lê Nghị, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long, Tú tài Nguyễn Trung Mưu là những thân hào nhân sĩ đứng lên thành lập “Bình Tây cứu quốc đoàn” với khẩu hiệu: “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, luyện tập binh sĩ, đúc rèn vũ khí sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhờ đức độ và tài trí hơn người, Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây đại tướng, thống lĩnh nghĩa quân. Trong quá trình xây dựng lực lượng, về mặt quân sự Trịnh Phong chia Khánh Hòa làm hai phân khu: phân khu Bắc do Trần Đường chỉ huy, phân khu Nam do ông và Lê Nghị trực tiếp chỉ huy. Dựa vào địa hình giáp biển và núi non chia cắt tạo nên thế hiểm trở, Trịnh Phong đã cho thiết lập một hệ thống phòng thủ dọc bờ biển ở Nha Trang, Rọ Tượng, Hòn Khói, Tu Bông, sẵn sàng đánh bật các cuộc đổ quân từ biển của Pháp. Trước khí thế của nghĩa quân, nhất là uy tín của Trịnh Phong và các thủ lĩnh, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, quan lại đầu tỉnh đang trấn nhậm trong Thành Diên Khánh đã chủ động giao Thành và quyền binh lại cho nghĩa quân cai quản, Thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của nghĩa quân. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa đã được các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ nhất là về lương thực, thực phẩm, vận động thanh niên tham gia nghĩa quân.

Tháng 8/1885, quân Pháp đổ bộ lên cửa sông Cù Huân (Nha Trang), Trịnh Phong giao Thành Diên Khánh cho Lê Nghị trấn giữ, ông trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân Pháp tại cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố… Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và thông thuộc địa hình, lại được nhân dân hết lòng giúp sức, che chở, nghĩa quân đã mưu trí dụ địch vào sâu rồi thực hiện lối đánh du kích, chia cắt, phân tán đội hình, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm nghĩa quân đã đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch. Trong thời gian đầu nghĩa quân bảo toàn lực lượng, liên tiếp đánh thắng ở các nơi: Bá Hà (Hòn Khói – Ninh Hòa), giải vây thành công Thành Diên Khánh sau 21 ngày đêm bám trụ giữ Thành, bức rút đồn binh duy nhất của Pháp tại Hòn Khói. Tháng 12 năm 1885, nghĩa quân Cần Vương Khánh Hòa phối hợp với nghĩa quân các tỉnh Nam – Trung Bộ đánh chiếm lại Thành Diên Khánh và làm chủ phần lớn tỉnh Khánh Hòa. Theo báo cáo của viên công sứ Pháp Aymonier gửi cho Thống đốc Nam Kỳ “…..ở Khánh Hòa có quan nổi loạn đã làm chủ toàn tỉnh và đang tập hợp nhân dân thành các đội quân bảo vệ xóm làng, giữ gìn trật tự…”

Sau nhiều lần tổ chức tấn công, chiếm đóng nhưng đều bị thất bại nặng nề, quân Pháp đã có những điều chỉnh về chiến lược. Giữa năm 1886, địch tăng cường viện trợ từ Gia Định, tập trung lực lượng tiến đánh chiếm lại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời ra sức khủng bố gia đình nghĩa quân, đặc biệt là gia đình của lãnh đạo phong trào. Chúng sử dụng hoạt động gián điệp, phản gián, ra sức mua chuộc chia rẽ nội bộ nghĩa quân và dùng những tên Việt gian bán nước dẫn đường trấn áp nhân dân, cô lập nghĩa quân với nhân dân. Sau khi nắm rõ địa hình và với ưu thế hơn hẳn về vũ khí, chiến thuật, quân Pháp đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, chúng điên cuồng tàn sát nghĩa quân, dìm phong trào trong bể máu và đã chiếm được một số vị trí quan trọng, trong đó có Thành Diên Khánh.

Trước thế mạnh của địch, Trịnh Phong cho rút quân ra phía Bắc Khánh Hòa, hợp quân với Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long lập phòng tuyến giữ cửa biển Hòn Khói, xây dựng căn cứ ở Thùng nhà Bùi, Hòn Hèo. Khi quân Pháp đánh chiếm Hòn Khói, nghĩa quân rút lên căn cứ tổ chức phòng thủ.

Tuy nghĩa quân vẫn chiến đấu kiên cường gây cho chúng một số tổn thất nhưng trước những thế mạnh về quân sự của địch, phong trào đấu tranh của nghĩa quân ngày càng suy yếu. Lãnh đạo phong trào như: Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Phạm Long, Nguyễn Sum bị địch giết hại, hàng trăm tướng lĩnh và nghĩa quân bị kẻ thù giam cầm.

Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa bị dập tắt nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường, bất khuất đã để lại trong lòng nhân dân Khánh Hòa một tình cảm đặc biệt sâu sắc, nhân dân đã suy tôn ba thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa là Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh với danh hiệu “Khánh Hòa tam kiệt”.

Cái chết của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra rằng, giữa cái án kẻ thù gây ra và những câu chuyện dân gian có nhiều điểm tương đồng. Vào thời điểm Trịnh Phong bị quân thù sát hại và một thời gian dài sau đó, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách cai trị rất khắc nghiệt, do vậy không ai dám công khai chôn cất và lập am, miếu thờ cúng những người đã ngã xuống vì nghĩa lớn của dân tộc, nhất là lãnh tụ các phong trào, đó là điều dễ hiểu. Riêng về Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, việc nhân dân thông qua những câu chuyện truyền kỳ nhằm che dấu chính quyền thực dân, hợp thức hóa am, miếu để thờ Trịnh Phong, người có công với quê hương, đất nước cũng chính là một cách làm hay, sáng tạo, tỏ lòng thương tiếc, tri ân với những người có công với nước – là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

* Lịch sử hình thành di tích:

Miếu được khởi dựng năm 1886, gắn liền với câu chuyện lưu truyền trong dân gian như sau: Chuyện kể rằng, khi Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong thất trận, bị kẻ thù sát hại, chém đầu ở Ninh Hòa và sau đó chúng đem về giao cho Tuần vũ Khánh Hòa ở Thành Diên Khánh bêu đầu bên cầu Sông Cạn (nay là Cầu Trần Quý Cáp) để thị uy, răn đe dân chúng. Khi ấy, có một người phụ nữ tên là Trịnh Thị Xuyến[2], đã bí mật đem thủ cấp của ông về quê ở thôn Phú Vinh chôn cất. Trên đường đi, bà Xuyến bị theo dõi, do sợ kẻ thù phát hiện, bà vội vàng treo cái túi vải có đựng thủ cấp của Trịnh Phong lên bụi duối bên cạnh cây Dầu Đôi. Hôm sau, bà Trần Thị Đãi ở ấp Phật Tỉnh, làng Phú Ân đi qua cây Dầu Đôi bỗng hốt hoảng la thất thanh khi phát hiện thấy một túi vải đựng đầu người treo trên cây duối, nhân dân trong ấp không biết người xấu số là ai, nhưng động lòng thương xớt, nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận” bèn đem chôn cất tử tế và bà Trần Thị Đãi xin làng lập am để thờ.

Bẵng đi thời gian khá lâu, hầu như không ai còn nhớ đến câu chuyện trên. Bỗng vào một buổi sáng đẹp trời, có một người đàn ông đang cày ruộng thì “lên đồng”(1), chạy một mạch đến gốc cây Dầu Đôi rồi tự xưng mình là Trịnh Phong bị kẻ thù sát hại, bêu đầu, được bà con chôn cất, lập am thờ cúng, nay xin có lòng cảm tạ. Nói rồi người đó ngất đi hồi lâu, khi tỉnh lại, người đàn ông ấy không biết tại sao mình lại nằm ngay dưới gốc cây Dầu Đôi và cũng không rõ là mình nói những gì.

Qua câu chuyện truyền kỳ ở trên, nhân dân quanh vùng tin rằng cái đầu trong túi vải treo trên cây duối năm xưa, chính là đầu của Trịnh Phong. Và từ đó, am nhỏ bên cây Dầu Đôi được nhân dân kín đáo gọi là Miếu Trịnh Phong. Bên cạnh di tích có cây Dầu Đôi đã vài trăm tuổi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương, vì vậy nhân dân thường lấy tên cây đặt cho di tích: miếu Cây Dầu Đôi và đây là tên gọi dân gian của miếu Trịnh Phong.

Sắc phong được bảo lưu tại Miếu Trịnh Phong

 

Miếu được vua Thành Thái thứ 13 (1901) ban tặng sắc phong cho “Đại Đức Khôi Tinh”, sau đó vào đời vua Khải Định thứ 9 (1924) tiếp tục phong tặng sắc phong với mỹ tự: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Thuần Chính. Điều này cho phép chúng ta suy luận, Trịnh Phong là người lãnh đạo phong trào Cần Vương, phong trào bị thực dân Pháp đàn áp mạnh mẽ, những lãnh đạo phong trào bị địch xử trảm với mục đích uy hiếp tinh thần chiến đấu của nhân dân; lúc này triều đình phong kiến nhà Nguyễn đang lệ thuộc Pháp và bị Pháp thao túng quyền hành, do vậy một mặt triều đình chịu sự cai quản của thực dân Pháp, nhưng một mặt vẫn có cái nhìn tích cực về phong trào Cần Vương, nên các triều vua sau vua Hàm Nghi đã ban tặng sắc phong cho những nơi thờ người có công với đất nước, ngã xuống vì đất nước, nhưng lại không dám và không thể viết đích danh tên mà chỉ có thể lấy mỹ tự “Đại Đức Khôi Tinh” để hàm ý chỉ người anh hùng vì nước quên thân. Đó là điều dễ hiểu và có thể thông cảm được với các vị vua đương quyền trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động của đất nước ta.

Miếu thờ Trịnh Phong ngày nay

 

Trải qua thời gian, miếu đã qua nhiều lần được tu bổ, tôn tạo. Ban đầu đây chỉ là am thờ nhỏ, được làm bằng tranh tre nứa lá. Đợt tu bổ miếu lớn nhất vào năm 2003, nhân dịp kỉ niệm Khánh Hòa 350 năm thành lập tỉnh. Miếu Trịnh Phong đã được đầu tư kinh phí tu bổ các hạng mục công trình: xây tường bao quanh di tích, nghi môn, bái đường, chánh điện, nhà Đông. Năm 2013, tu bổ phần mái, thay một số cột gỗ tại bái đường.

* Đặc điểm di tích:

Di tích Miếu Trịnh Phong có tổng diện tích 639,1m2. Miếu được xây theo lối kiến trúc một gian hai chái, ba cửa ra vào được thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản, kết cấu khung gỗ mang nét đặc trưng di tích truyền thống ở Khánh Hòa. Bái đường lát gạch bát tràng, cao hơn sân khoảng 30cm, không có tường bao mà chỉ có 4 hàng chân cột gồm có 4 cột cái và 14 cột quân. Bốn cột cái tạo thành hai bộ vì nóc kết cấu kiểu vì kèo, các thanh kèo phụ , đấm phụ và khuyết phụ ăn mộng từ cột cái chạy ra đầu các cột quân. Hệ mái lợp ngói âm dương, đỉnh mái đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Chính giữa bái đường đặt 01 ban thờ gỗ đơn giản nhưng thể hiện sự cổ kính, trang nghiêm.

 

Hoành phi khắc chữ Hán Nôm "Vạn An miếu" tại miếu Trịnh Phong

 

Chánh điện treo 01 bức hoành phi bằng gỗ khắc chữ Hán Nôm “Vạn An miếu”. Hệ cửa thiết kế theo kiểu thượng song hạ bản. Giữa chính điện đặt ban thờ hội đồng, hai bên đặt cặp lọng vải, phía trên ban thờ treo 01 bức chấn bằng vải. Giáp với tường hồi phía sau là khám thờ bằng gỗ được chạm trổ rất tỉ mỉ và khắc chữ Hán Nôm “Thần” ( 神 ). Bốn cột gỗ vuông đỡ hệ mái Chánh điện, trên thân cột chạm khắc hai cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm và được sơn son thếp vàng, phía trên chạm trổ hoa văn hình hoa lá. Đầu dư của các thanh kẻ và kèo cũng được chạm khắc cách điệu tạo sự mềm mại trong di tích. Phía trong chính điện treo hai cặp câu đối ca ngợi công đức của Trịnh Phong:
Phiên âm:
Hách trạc thần công linh hữu trợ,
Hinh hương tự điển giác đồng vinh.
Dịch nghĩa:
Dân được trợ giúp là nhờ công thần linh thiêng rực rỡ,
Được vinh hoa ấy bởi tự điển thơm hương.

 

Phiên âm:
Võ kiếm cung thao lược võ bình tây thăng đại tướng,
Văn kinh sử trí tri văn Khánh tỉnh xuất trung thần.
Dịch nghĩa:
Võ kiếm cung thao lược, bình giặc tây thăng lên làm đại tướng,
Văn kinh sử trí tri, tỉnh Khánh Hòa xuất hiện bậc trung thần.

Ban thờ Miếu Trịnh Phong

 

Hàng năm, di tích tổ chức cúng Xuân vào ngày 16/03 âm lịch. Cứ 3 năm lại cúng đại lễ một lần.

Hiện nay mộ phần của Trịnh Phong tọa lạc tại thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ở khu mộ phần, ngoài mộ của ông còn có 02 ngôi mộ của thân phụ và thân mẫu. Khu mộ được tôn tạo năm 2005 và năm 2012.

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, năm 1991 Bộ Văn hóa – Thông tin đã ban hành quyết định số 1548 – QĐ ngày 30/8/1991, xếp hạng Miếu Trịnh Phong là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

                                                                              Nguyễn Thị Thúy Hằng

[1] nay là thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang.
[2] cháu của Trịnh Phong, người từng theo hầu Ông trong suốt thời gian lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
HÒN CHỒNG – HÒN ĐỎ
Danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ nằm bên bờ vịnh Nha Trang, thuộc hai phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang. Danh thắng gồm: Hòn Chồng, Hòn Đỏ, và Hội quán vịnh Nha Trang. Năm 1998, danh thắng được xếp hạng di tích Quốc gia.
ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM TÀU C235 (ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN)
Di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Đây là di tích lưu niệm sự kiện lịch sử và những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng đội Tàu C235 đã trở thành huyền thoại đi vào lịch sử và những áng văn chương.
QUẦN THỂ DI TÍCH LƯU NIỆM NHÀ BÁC HỌC ALEXANDRE JON EMILE YERSIN
A.Yersin là người Thụy Sĩ gốc Pháp. Ông sinh năm 1863 tại một miền quê thuộc tổng Vaud, hạt Lavaux, Thụy Sĩ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với Việt Nam và ông coi Xứ Trầm hương là quê hương thứ hai của mình. Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều địa danh gắn với sự nghiệp của A.Yersin, trong đó Khánh Hòa có quần thể di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia...
MŨI ĐÔI - HÒN ĐÔI (HÒN ĐẦU)
Thế giới biết đến Việt Nam không những chỉ qua quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước mà còn biết đến Việt Nam qua hình ảnh con người hiền hoà, thân thiện, mến khách và có nhiều di sản văn hoá, di sản thiên nhiên đặc sắc. Một trong số đó là danh lam thắng cảnh Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu) ở bán đảo Hòn Gốm, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, nơi đón ánh bình minh trên đất liền đầu tiên của Tổ quốc.
VĂN MIẾU DIÊN KHÁNH
Văn miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập Nho Giáo và những bậc hiền triết là học trò của Ngài; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong các kỳ khoa bảng.
VỊNH NHA TRANG
Vịnh Nha Trang có nét đẹp bao la của biển trời với 19 đảo lớn nhỏ nổi bật lên trên nền biển trong xanh và những bãi cát trắng phau, vàng óng dưới ánh mặt trời, trải dài ven bờ trên vòng cung vịnh. Đặc biệt, một số đảo có những hang đá có vô số chim yến về làm tổ, cho nguồn lợi lớn là yến sào được xem là vàng trắng của Việt Nam.
THÀNH DIÊN KHÁNH
Từ thành phố Nha Trang, đi đường 23/10 đến thị trấn Diên Khánh, rẽ phải vào đường Lý Tự Trọng, đi khoảng 500m là đến cổng Đông của Thành Diên Khánh. Thành Diên Khánh là tòa thành được xây dựng ở phủ Diên Khánh, còn là cơ quan hành chính của địa phương dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn.
ĐỀN TRẦN QÚY CÁP
Đền Trần Quý Cáp tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đền được xây dựng ở khu vực Gò Chết Chém (nằm bên trái Quốc lộ 1A - từ Bắc vào Nam), cách cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp) khoảng 50m về phía Nam và cách di tích Thành Diên Khánh 1km về phía Tây Bắc.
PHỦ ĐƯỜNG NINH HÒA
Phủ đường Ninh Hòa là công trình kiến trúc có dạng hình chữ nhật với bốn cạnh là tường hồi bít đốc, mặt tiền quay về hướng Đông Nam. Về tổng thể, di tích được kết cấu theo mô típ nhà truyền thống của vùng đồng bằng Khánh Hòa theo kiểu 3 gian 2 chái.
ĐỊA ĐIỂM DI CHỈ KHẢO CỔ HÒA DIÊM
Hoà Diêm là di tích nằm trên cồn cát cao, cuộc sống phụ thuộc vào nguồn nước ngọt của con sông Tà Lưa và các bàu nước xung quanh vịnh Cam Ranh. Vì ở sát biển nên thức ăn chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn biển như sò, ốc, hàu, cá… là “Văn hoá cồn sò điệp” tích tụ trong tầng văn hoá dày đặc vỏ nhuyễn thể biển; thêm nữa các vết tích xương, răng động vật từ Biển – Núi là thức ăn chính của cư dân ở đây.