A.Yersin là người Thụy Sĩ gốc Pháp. Ông sinh năm 1863 tại một miền quê thuộc tổng Vaud, hạt Lavaux, Thụy Sĩ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với Việt Nam và ông coi Xứ Trầm hương là quê hương thứ hai của mình. Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều địa danh gắn với sự nghiệp của A.Yersin, trong đó Khánh Hòa có quần thể di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, đó là:
1. Thư viện A.Yersin nằm trong khuôn viên của Viện Pasteur, ở số 8 đường Trần Phú, thành phố Nha Trang.
2. Chùa Linh Sơn nằm ở phía Tây Nam núi Cô, bên đường quốc lộ 1A, thuộc thôn Khánh Thành, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.
3. Khu mộ của A.Yersin nằm trong khu đất của Trại chăn nuôi thí nghiệm Suối Dầu thuộc Viện Pasteur Nha Trang ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.
4. Nhà làm việc của A.Yersin tại Hòn Bà, xã Suối Cát,huyện Cam Lâm.
I/ Cuộc đời và sự nghiệp của A.Yersin
Năm 20 tuổi, A.Yersin học trường y khoa ở Lausawne, Thụy Sĩ. Ông sang Pháp để thực hiện nốt ước mơ học đại học của mình. Ở Paris, ông xin làm kỹ thuật viên môn giải phẫu bệnh cho bệnh viện Hotel Dieu. Tại đây ông may mắn được gặp nhà khoa học nổi tiếng Louis Pasteur. A.Yersin mến phục tài năng của Pasteur và xin vào làm kỹ thuật viên tại phòng thí nghiệm vi trùng của Pasteur ở đường Ulm thành phố Pasris vào năm 1886. Được phân công giúp việc cho bác sĩ Roux là người cộng sự đắc lực của Pasteur, ông vừa làm kỹ thuật viên vừa xin nhận một đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu về sự phát triển của Lao thực nghiệm”. Đây cũng là luận văn tốt nghiệp đại học y khoa của ông. Năm 1888, ông đỗ bác sĩ y khoa và nhập quốc tịch Pháp, trở thành công dân Pháp.
Trong thời gian ở Pháp, ông cùng bác sĩ Roux nghiên cứu về độc tố của vi khuẩn bạch hầu, là công trình đầu tiên nghiên cứu về độc tố của vi khuẩn, tạo nền móng cho các nhà nghiên cứu sau này. Năm 1898, Viện Pasteur Paris được thành lập. Đây là nơi Yersin thầm mong ước được làm việc nhưng cũng bất ngờ lúc này ông cũng suy nghĩ về những bí ẩn tiềm tàng trong núi rừng nhiệt đới Viễn Đông và đã thầm lặng ra kế hoạch để tiến hành thực hiện.
Tháng 9/1890, ông đi Viễn Đông trước sự bàng hoàng của các thầy và bạn bè, đồng nghiệp ở Viện Pasteur Paris, không ai thông cảm được lý do rời Paris của ông. Với tư cách là bác sĩ thực hành làm hợp đồng cho tàu biển, ông được phân công phục vụ trên tàu Aridan, chạy Nam Kỳ đến Philippin từ tháng 10 năm 1890 đến tháng 4 năm 1891. Sau đó, ông chuyển sang tàu chạy chuyến Sài Gòn – Hải Phòng. Tháng 6, 7/1891, nhân một chuyến ngang qua Nha Trang, ông đã lên bờ ngắm cảnh và Nha Trang đã để lại trong ông ấn tượng sâu sắc.
Để thực hiện được ước mơ thám hiểm núi rừng nhiệt đới, trong những năm 1892 đến năm 1894, A.Yersin đi điều tra về đất đai, con người, phong tục tập quán và tài nguyên ven biển miền Trung Việt Nam và Sông Mê Kông.
Ngày 29/3/1892, ông đi thám hiểm lần thứ nhất để tìm hiểu khu vực nằm giữa biển Đông và sông Mê Kông của miền Trung Việt Nam. Sau khi cuộc thám hiểm lần đầu tiên thắng lợi, Toàn quyền Lanesan lại giao cho ông nhiệm vụ nghiên cứu phương án làm đường đi từ Sài Gòn đến các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu tài nguyên, khả năng chăn nuôi, lâm sản, khoáng sản. Năm 1893, ông có cuộc thám hiểm lần thứ 3 theo dãy Trường Sơn đi từ Biên Hòa qua Đà Lạt đến Đắc Lắc.
Tháng 5/1894, ở Hồng Kông xảy ra trận dịch hạch lớn và A.Yersin đã đi Hồng Kông nghiên cứu nguyên nhân bệnh dịch hạch. Sau 3 tuần, ông tìm ra vi trùng dịch hạch và vi trùng này đã mang tên ông : Yersinin Pestis.
Năm 1895, ông thiết lập một phòng thí nghiệm ở Nha Trang, nay là Viện Pasteur Nha Trang. Đây là phòng thí nghiệm thứ 2 ở Việt Nam, sau Viện Pasteur Sài Gòn do Albert Calmetts thành lập năm 1890. Sau đó, để phục vụ cho sản xuất huyết thanh trên ngựa, A.Yersin thành lập trại chăn nuôi ngựa ở phủ Diên Khánh, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa (cách Nha Trang 10km). Năm 1896, ông thành lập Trại thí nghiệm tại Suối Dầu. Đây là nơi sản xuất huyết thanh và vắc xin, huyết thanh chế được ông đưa ra dùng ở Trung Quốc, Ấn Độ để điều trị dịch hạch cứu hàng vạn người.
Ít lâu sau, Viện Pasteur Paris sản xuất huyết thanh hàng loạt, ông ngừng sản xuất huyết thanh ở Suối Dầu, chuyển sang nghiên cứu dịch bệnh ở gia súc. Từ năm 1899 trở đi, phòng thí nghiệm của ông tại Nha Trang nổi tiếng là trung tâm nghiên cứu các bệnh dịch gia súc, đào tạo cán bộ thú y cho toàn Đông Dương.
Năm 1902, ông được giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập Trường Cao Đẳng y khoa Hà Nội do ông làm Hiệu trưởng, nay là Trường Đại Học Y Hà Nội. Năm 1904, ông về lại Nha Trang, đề nghị Chính phủ Pháp nâng cấp các phòng thí nghiệm tại Sài Gòn, Nha Trang lên thành Viện Pasteur Đông Dương. Đó là chi nhánh đầu tiên của Viện Pasteur Paris ở hải ngoại. A.Yersin được cử làm Viện trưởng. Sau đó, ông thành lập thêm chi nhánh Viện Pasteur Hà Nội năm 1920 và Viện Pasteur Đà Lạt năm 1936.
Năm 1914, ông đẩy mạnh trại chăn nuôi thí nghiệm ở Suối Dầu và tiến hành khảo sát Hòn Bà, đưa một số cây công nghiệp vào trồng thí nghiệm và đã thành công với cây thuốc quinquina, giống cây cao su – một loại cây có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trong công nghiệp.
Năm 1920, ông xin từ chức Viện trưởng, chỉ làm Tổng thanh tra các Viện Pasteur trên toàn cõi Đông Dương và dành thời gian cho việc trồng thử nghiệm các cây nhiệt đới vào vùng đất Suối Dầu, Hòn Bà, Nha Trang, Đơn Dương, Di Linh… như cây cà phê, cây thuốc lá, ca cao, dầu cọ, cây dừa, cau, cao su … Ngoài những công việc trên, A.Yersin còn tìm hiểu mực nước biển Nha Trang, đam mê quan sát thiên văn, nghiên cứu và thực hành về ngành vô tuyến điện.
A.Yersin sống rất gần gũi với người dân Xóm Cồn, Nha Trang và được họ gọi với cái tên thân thương ông Tư, ông Năm. Ông đã sử dụng máy quay phim tự làm phim chiếu cho nhân dân Xóm Cồn xem ngay tại hành lang nhà mình, giúp đỡ họ thuốc men chữa bệnh. Đặc biệt, ông rất chú ý đến trẻ em, hàng ngày trẻ em thường đến nhà ông vui chơi, đọc sách và xem tranh trong tủ sách nhà ông.
Năm ông 77 tuổi, thấy sức khỏe đã giảm sút, ông trở về Pháp lần cuối để vĩnh biệt bạn bè và thăm nước Pháp, Viện Pasteur Paris. Từ năm 1941 – 1942, sức khỏe của ông yếu dần và ông để lại di nguyện được chôn cất tại Suối Dầu một cách giản dị, là một nơi thanh tĩnh, gần Nha Trang và có nhiều gắn bó với sự nghiệp của ông.
Sáng ngày 01/3/1943, A.Yersin đã trút hơi thở cuối cùng giữa tình thương mến chân tình của ngư dân Xóm Cồn và nhân dân Nha Trang. Khi ông mất, ngư dân Xóm Cồn đã để tang ông, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng về kính viếng và tiễn đưa ông đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Họ quấn khăn tang như người thân của họ đã ra đi.
Sau 57 năm hoạt động khoa học ( 1886 – 1943) Yersin đã cống hiến cho nhân loại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Mọi tài sản còn lại ông đều tặng lại cho viện Pasteur Nha Trang và một số người giúp việc. Những kỷ vật của ông đã được gìn giữ cẩn thận. Hiện nay, nhiều thành phố đã lấy tên ông đặt tên đường như: Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh… Đó là những nơi thường gắn liền với sự nghiệp của ông.
II/ Quần thể di tích A. Yersin
* Thư viện A.Yersin
Thư viện A. Yersin nay trở thành Nhà trưng bày Yersin của Viện Pasteur Nha Trang (Viện gọi là Bảo tàng Yersin). Phòng được trưng theo dạng nhà lưu niệm của Viện, lưu giữ nhiều kỷ vật, tài liệu khoa học, máy móc trang thiết bị, các công trình nghiên cứu, sách của A.Yersin ở Pháp và trong 50 năm sống, làm việc tại Nha Trang. Ngoài ra, phòng trưng bày còn mô phỏng lại phòng đọc sách và nghỉ ngơi của Yersin, gồm tủ sách, bàn đánh máy chữ, giường ngủ, ghế nằm bằng mây và tủ đựng đồ dùng sinh hoạt.
Nhà lưu giữ kỷ vật, tài liệu khoa học, trang thiết bị máy móc, các công trình nghiên cứu, sách của A.Yersin
* Chùa Linh Sơn
Chùa Linh Sơn vốn là nhà làm việc, nghỉ ngơi của A.Yersin ở Suối Dầu. Sau khi ông mất, nơi đây thuộc sự quản lý của công ty cao su Suối Dầu. Năm 1958, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa xin sử dụng làm nơi tiếp khách và sau đó trở thành ngôi chùa.
Năm 2017, chùa đã khánh thành Chánh điện bên cạnh nhà làm việc của A.Yersin. Chùa Linh Sơn quay theo hướng Tây Nam, với quy mô kiến trúc không lớn nhưng vẫn tạo cho phật tử và du khách cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh. Di tích có các kiến trúc: nhà lưu niệm A.Yersin, chánh điện, lầu chuông, nhà tri khách, đài Quan Âm, miếu Tiêu Diện, khu nhà bếp và công trình phụ.
* Khu mộ A.Yersin
Đó là nơi yên nghỉ của A.Yersin, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn của nhân dân Khánh Hòa đối với nhà khoa học lỗi lạc và thực hiện đúng di nguyện của ông trước khi từ giã cõi đời.
Lúc đầu ngôi mộ được xây dựng theo kiểu hình áo quan tài, có chữ thập đặt lên trên. Song trải qua thời gian và chiến tranh nên ngôi mộ bị hư hỏng. Sau năm 1975, nhân dân Khánh Hòa đã xây dựng lại ngôi mộ như hiện trạng hiện nay. Phần mộ được thiết kế theo kiểu hình chữ nhật, là một hình khối nổi không cao so với mặt đất. Khu mộ có một cây hoa đại cổ thụ được trồng ngay sau khi ông mất.
Phía bên trái ngôi mộ, có một Thủ Kỳ nhỏ (còn gọi là am thờ), được thiết kế theo kiểu chùa Một Cột. Thủ Kỳ được làm bằng bê tông. Xung quanh đồi vẫn còn một số cây cọ, mà theo lời kể của người dân địa phương đó là những cây do nhà bác học A. Yersin trồng thí nghiệm vào những năm 1916 – 1918.
* Nhà làm việc A.Yersin
1. Ngày 28/9/1990, di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số Số 993/ QĐ-BVHTT gồm: Thư viện Viện Pasteur tại thành phố Nha Trang, chùa Linh Sơn và Mộ Yersin tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm.
2. Ngày 20/3/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 699/QĐ-BVHTTDL bổ sung điểm di tích Nhà làm việc của nhà bác học Alexandre Yersin tại Hòn Bà, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm vào di tích lịch sử lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin.
Nguyễn Chí Khải
Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây: