Hotline: (0258) 3813 758

MŨI ĐÔI - HÒN ĐÔI (HÒN ĐẦU)

01/04/2020 00:00        
Đọc tin

Thế giới biết đến Việt Nam không những chỉ qua quá trình lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước mà còn biết đến Việt Nam qua hình ảnh con người hiền hoà, thân thiện, mến khách và có nhiều di sản văn hoá, di sản thiên nhiên đặc sắc. Một trong số đó là danh lam thắng cảnh Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu) ở bán đảo Hòn Gốm, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, nơi đón ánh bình minh trên đất liền đầu tiên của Tổ quốc.
Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu) có hai mũi đất liền nhô ra biển, mũi xa nhất nằm ở toạ độ khoảng 109028’0" kinh độ Đông và 12039’0" vĩ độ Bắc. Người dân địa phương thường gọi là Mũi Đôi và cách đó khoảng 500 mét, có một đảo nhỏ rộng khoảng 20.000 m2 là Hòn Đầu. Địa danh Mũi Đôi – Hòn Đầu được người dân Khánh Hoà biết đến nhiều hơn vào dịp lễ hội Festival biển Nha Trang năm 2005, khi cùng với vịnh Nha Trang được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xếp hạng Danh lam thắng cảnh Quốc gia ngày 25/3/2005.
Nhờ cấu tạo địa chất, những nhánh núi phía Nam Trường Sơn vươn xa ra biển Đông bị nước biển phủ kín nên vùng biển Khánh Hòa xuất hiện nhiều đảo lớn nhỏ, tạo thành nhiều đầm, vịnh. Bờ biển Khánh Hòa đa phần là vách đá chiếm 2/3, còn lại là bờ biển cát mịn. Do vậy, chính sóng biển từ biển Đông tràn vào đã xâm thực, bào mòn núi đá và thềm lục địa, tạo cho vùng bờ biển Khánh Hòa nhiều vách núi đá, gành đá rất hùng vĩ, đầy ấn tượng và những bãi biển xinh đẹp, đầy thơ mộng. Trong số đó, cảnh đẹp vùng biển bán đảo Hòn Gốm, có danh thắng quốc gia Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu) là một điển hình. Đứng ở đây, ta có thể nhìn thấy tàu thuyền qua lại trên hải phận quốc tế. Nếu có dịp đến nơi Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu), trú lại qua đêm để đón chờ bình minh ló dạng trên biển Đông mênh mông thì mới cảm nhận trọn vẹn cảnh đẹp của địa danh này.
Cảnh sắc nơi đây có môi trường thiên nhiên còn nguyên sơ, trong lành, có chỗ như chưa có dấu chân người. Biển trời một màu xanh ngắt mênh mông bát ngát. Mắt thường có thể nhìn thấy ở độ sâu dưới biển cả chục mét. Lác đác, vài ba chiếc thuyền đánh cá ven đảo và các góc biển càng làm tăng thêm vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình của một vùng biển đảo.

 

Để đến Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu), chúng ta có thể đi bằng nhiều cách. Nếu đi bằng ca nô cao tốc hoặc ghe thuyền thì dù khởi hành bất kỳ nơi đâu trên cảng biển hoặc bến tàu nào cũng đều đến được thắng cảnh. Có thể từ Vũng Rô, Đại Lãnh hoặc một bến ghe tàu trên bờ Đông bán đảo Hòn Gốm, hoặc bờ vịnh Nha Trang, Cam Ranh…Nếu đi bằng đường sắt thì dừng ở ga Đại Lãnh hoặc ga Vạn Giã thuê xe ô tô, xe máy đi tiếp tục ra bán đảo Hòn Gốm. Thông thường, đến phía Nam đèo Cổ Mã (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) rẽ về hướng Đông Nam là đến bán đảo Hòn Gốm. Tại đây, có tàu du lịch đưa du khách tham quan vịnh Vân Phong và thắng cảnh Mũi Đôi – Hòn Đầu bằng cách đi vòng xuống phía Nam bán đảo Hòn Gốm rồi đi ngược lên phía Bắc. Đi cách này tuy hơi xa, nhưng trên đường đi ra đến đảo du khách khám phá được nhiều điều kỳ thú.

1- Cảnh đẹp trên đường đi:
Tại bến tàu xã Vạn Thạnh, du khách được ngắm toàn cảnh của vịnh Vân Phong với núi non trùng điệp, và các hòn đảo như Hòn Lớn, Hòn Ông nằm giữa vịnh Vân Phong. Đặc biệt, ngoài màu xanh của cây rừng, du khách còn tận hưởng cảnh đẹp của những đồi cát trắng phau, vàng óng chạy dài dọc theo bán đảo. Làng đảo Đầm Môn ẩn hiện dưới những tán cây dừa, cây cổ thụ cùng hàng chục chiếc ghe thuyền lớn nhỏ, đủ màu sắc ra vào thường xuyên, tạo cảnh sắc muôn màu của một làng biển thơ mộng, yên bình. Những đảo và núi đồi hùng vĩ vươn cao trên nền xanh bao la của vịnh biển với biết bao gành đá lộ ra hai bên mạn thuyền tạo cho du khách nhiều xúc cảm khó quên.
Khi ghe tàu rời bến ra vịnh, từ gần giữa vịnh có một cụm đá sa thạch khổng lồ màu vàng trắng lô nhô trên mặt biển xanh, trông như một cụm hòn non bộ khổng lồ, rất đẹp mắt, tưởng chừng như do chính bàn tay con người dựng nên. Những khối đá này mang nhiều hình thù, kích cỡ khác nhau, trong đó có hai khối đá lớn nhất, cao cả chục mét, vươn cao lên trong thế hơi nghiêng nghiêng, trông chẳng khác nào hòn Phu Tử ở Kiên Giang. Khi tàu chạy vòng quanh cụm đá cho ta những góc nhìn khác nhau rất đẹp và đầy thú vị về cụm non bộ khổng lồ trên vịnh Vân Phong.
Cách đó chừng vài trăm mét, xuất hiện một khối đá hơi tròn nhô lên khỏi mặt nước. Kỳ lạ thay, bên trên khối đá ấy có hình thù một con cò, chẳng khác nào do bàn tay của nghệ nhân nào đó tạc nên, khiến ta ngạc nhiên, kỳ lạ về sự tạo tác của thiên nhiên.
Dọc ven bờ của bán đảo có nhiều khối đá nhô lên mặt biển hay những gành đá nhô ra từ góc núi của đảo mang theo những hình tượng thiên nhiên mà người dân nơi đây đã đặt cho với những cái tên ngộ nghĩnh, nhưng rất hiện thực như: Mũi ông Nghê – bà Nghê: có hình tượng con heo với truyền thuyết bà Nghê vì giận chồng bỏ nhà ra đi, mang theo con heo, mãi mãi còn nằm trên biển; mũi Đá Thẻ: cấu tạo bởi những phiến đá phẳng phiu vuông vắn như tấm thẻ bài; mũi Đá Tàu: trông như mũi một con tàu sừng sững nhô ra biển; mũi Đá Nạng: trông giống như một con cá nạng khổng lồ đang bơi lội; mũi Hòn Tai: trông giống như một đầu người có hai tai; mũi Hòn Trào: luôn luôn có sóng vỗ vào, làm trào bọt biển trắng xoá trên mũi đá.

 

Trên đường đi ven theo bờ phía Tây bán đảo Hòn Gốm, ta sẽ đi ngang qua một làng nhỏ nằm sát bên bờ biển rợp mát bóng hàng dừa, có tên gọi Sơn Đừng. Đây là làng chài nhỏ, nằm lẻ loi bên biển khơi, với đặc điểm riêng  có, đó là nơi sinh sống của một tộc người mà dân địa phương thường gọi là “người Đàng Hạ”. Chưa có tư liệu nào nói về tộc người thiểu số này, nhưng theo một số người dân địa phương cho rằng: tộc người này gốc người Nam Á lập cư ở đây từ vài trăm năm trước. Có thể do tàu thuyền của họ đi ngang qua đây bị thiên tai, cập vào bờ sinh sống cho đến ngày nay. Có giả thuyết cho rằng: có thể đây là tộc người cổ bản địa còn sót lại trên vùng đất này; bởi lẽ, năm 2009 trên bán đảo đã khai quật được di chỉ khảo cổ học Vĩnh Yên với hàng nghìn hiện vật, dấu tích của người cổ bản địa sinh sống cách đây trên dưới 3.000 năm. Hiện nay, ở đây chỉ còn vài chục người.
Điều đặc biệt nữa là tại Sơn Đừng có nguồn nước ngọt kỳ lạ. Nước trong lòng đất trào lên quanh năm; nên tuy sát biển, núi đồi không rộng, không có rừng già giữ nước, nhưng nơi đây mùa nào cũng có nước ngọt. Kỳ lạ thay, ta dùng tay đào xuống cát thành hố là có nước ngọt, mặc dù sát mép nước biển chỉ cách một vài mét. Và thật thú vị, khi thuỷ triều rút xuống thì những mạch nước ngọt từ bờ cát chảy ra, tạo thành những vệt nước ngoằn ngoèo chảy dài từ trên bờ cát xuống biển. Người dân nơi đây cho rằng bên trong làng có mạch nước ngầm trào lên tự nhiên nên có nước ngọt chảy ra quanh năm. Hiện nay, làng Sơn Đừng là điểm đến lý thú của du khách ưa thích loại hình du lịch sinh thái.
Cách làng Sơn Đừng không xa, là làng chài Khải Lương. Tại đây, những ngôi nhà đơn sơ, bình dị lô nhô bên bờ biển cùng những lăng miếu thờ ẩn hiện trên bờ cát trắng và triền núi hòa cùng ghe thuyền bồng bềnh trên sóng nước, tạo nên cảnh sắc của một làng chài thanh bình, yên ả trên vùng biển đảo mênh mông.
Rời Khải Lương, đến khoảng giữa bán đảo Hòn Gốm, trên triền núi cao phía Tây bán đảo xuất hiện một khối đá hình trụ, bên trên có một tảng đá lớn nằm chồng khít lên nhau, tạo nên hình tượng của một nữ sinh mặc áo dài trắng, có mái tóc bồng bềnh, xõa dài bay trong gió, cho ta niềm cảm xúc dâng trào giữa biển khơi.
Khi tàu đến gần cuối bán đảo, xuất hiện một gành đá nằm sát mặt biển mang hình con cá sấu khổng lồ ngâm mình trong nước, như đang rình rập, chờ đợi con mồi, trông thật ấn tượng. Mỗi góc nhìn ở gành đá này cho ta những cảm xúc tuyệt vời về sự kỳ vĩ mà tạo hóa đã ban cho với những hang đá tự nhiên và sự xếp nếp của những lớp đá chồng chất, đan xen nhau một cách hài hòa, trông rất ấn tượng.
Xúc cảm càng mạnh mẽ hơn khi chúng ta đến mũi Gành. Đây là mũi đá cuối cùng về phía Nam của bán đảo Hòn Gốm, tạo thành một cánh của cửa vịnh Vân Phong. Đây là nơi đầu sóng ngọn gió, hàng ngày phải gánh chịu bao con sóng dữ từ biển Đông cuồn cuộn tràn vào. Những con sóng làm xói mòn mỏm núi, tạo nên những bức tường đá cao sừng sững, xếp nếp, muôn hình khối, màu sắc trông cực kỳ ấn tượng. Khi bắt đầu từ mũi Gành chuyển lên hướng Đông Bắc để đến Mũi Đôi – Hòn Đầu, ta bắt gặp hình ảnh đôi con cóc khổng lồ sừng sững trên núi cao như đang âu yếm bên nhau. Thực ra, đó là hai khối đá lớn nằm cạnh nhau chon von trên đỉnh núi, khi nhìn ở vị trí thích hợp thì cho ta hình tượng thú vị như vậy.

 

Phía Đông bán đảo có hai đảo đá nhô lên trên mặt biển. Tuy chỉ nằm cách nhau khoảng vài trăm mét, nhưng cấu tạo màu sắc của chúng hoàn toàn trái ngược nhau. Một bãi đá có nhiều khối đá màu đen tuyền nhô lên mặt nước, trông như những tấm lưng của bầy trâu đang đầm mình dưới nước, mà người dân đã đặt cho nó tên gọi “hòn Khô Đen” hay “hòn Trâu Nằm” và một bãi đá toàn một màu trắng, có tên gọi “hòn Khô Trắng”. Trên những bãi đá này có chim yến về làm tổ, chúng thường bay chao liệng trên mặt biển xanh như chào đón du khách ghé thăm.

Thỉnh thoảng, trong những eo núi xuất hiện một vài bãi cát trắng mịn, còn nguyên sơ, chưa một dấu chân người. Trên đó, có một bãi cát dài có tên gọi bãi “Y Hồ Na”. Khi đặt chân lên cát, ta có thể nghe tiếng lạo xạo dưới chân tựa như đang dẫm lên những miếng bánh tráng nướng. Đan xen giữa những bãi cát, gành đá còn xuất hiện những ngọn đồi có hình chóp, màu vàng cam, rực rỡ dưới ánh mặt trời, trông như Kim Tự Tháp cổ ở Ai Cập. Đã vậy, chúng còn mang trên mình những khóm cỏ lá kim, mọc thành từng chùm xòe tròn, xanh mượt, bám trên vách đá cheo leo. Dường như chúng đã thích nghi với môi trường khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió.
Trên bán đảo Hòn Gốm, còn có những mũi gành đá có tên gọi đầy ý nghĩa như mũi Cột Buồm, trông giống một cột buồm nhô cao; Mũi Eo Gió cách Hòn Đôi khoảng chừng 600 mét, nhưng quanh năm đều có gió lùa; mũi Hòn Chồng có những tảng đá chồng chất lên nhau như hòn non bộ; mũi Học Trò trông giống như các cô cậu học trò đang ngồi học; mũi Hòn Dù trông giống như chiếc dù che nắng; mũi Hòn Vung trông giống như chiếc nắp vung của nồi đất.

2- Cảnh đẹp ở Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu):
Khi nhìn thấy đảo Hòn Đầu từ xa xa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt du khách là một đảo nhỏ nằm cạnh đất liền, cách bờ khoảng 500 mét. Bờ đất liền uốn cong như ôm trọn đảo nhỏ. Nếu nhìn trên bản đồ hoặc nhìn qua không ảnh cả bán đảo Hòn Gốm như một con rồng dài và Hòn Đầu như hòn ngọc được chiếc miệng rồng (là hai mõm của Mũi Đôi) há ra, ngoạm lấy hòn ngọc.
Ngay chính phía Đông đảo Hòn Đầu có một tượng đá hình tượng một người thiếu phụ, tóc ngắn đang ngồi trầm ngâm như ngóng chờ ai đó mãi tận khơi xa, làm cho ta liên tưởng đây cũng là một hòn Vọng Phu trên biển Đông của Việt Nam?! Đến càng gần, điều khiến cho ta càng nhiều ngạc nhiên hơn, sừng sững trên đỉnh đảo là một con hải cẩu khổng lồ bằng đá đang ngẩng cao đầu ngơ ngác nhìn mọi người xâm nhập vào lãnh địa của mình. Nếu đi vòng qua, chếch về hướng Đông Bắc lại thành hình tượng con lạc đà trên hòn đảo nhỏ.
Điều mà chúng ta khâm phục là cha ông ta từ ngàn xưa đã đặt tên cho đảo là Hòn Đầu. Đó phải chăng chính vì hình tượng của ba khối đá khổng lồ mang hình đầu người và biến hoá một cách sinh động qua mỗi góc nhìn khác nhau như vậy mà người xưa đã đặt tên cho địa danh. Đặc biệt, phía Tây Bắc và phía Tây của đảo có những bãi cát nhỏ xinh đẹp, thuận tiện cho du khách thưởng thức tắm biển nơi đảo xa. Ngoài ra, bên trong đảo còn có hang động là nơi sinh sản của loài chim yến, đặc sản quý giá, được coi là “vàng trắng” của Khánh Hòa.
Trước cảnh sắc đặc biệt của Mũi Đôi – Hòn Đôi (Hòn Đầu), có thể nói tạo hoá đã ban tặng cho Khánh Hòa những tuyệt tác nghệ thuật tinh tế một cách tự nhiên ngay tại điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc. Những khám phá kỳ thú tại đây sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm bất ngờ và lý thú ở nơi chào đón ngày mới sớm nhất trên đất liền Tổ quốc Việt Nam./.

                                                                                       Nguyễn Văn Thích

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                  

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
AM CHÚA
Am Chúa là công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng phụng thờ Thiên Y A Na của người Việt mà nguồn gốc là một vị nữ thần của người Chăm có tên gọi Pô Inư Nưgar (hay còn gọi là Pô Nagar) được thờ phụng tại ngôi đền Pô Nagar của Chămpa. Người Việt gọi Bà với nhiều danh xưng: Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Chúa Ngọc Diễn Phi, Chúa Ngọc Tiên Nương (Chúa Tiên). Thế nhưng, tên gọi Thiên Y A Na là tên gọi gần gũi và được người dân dùng thông dụng hơn cả “bởi lẽ từ Thiên Y A Na vốn được phiên âm từ Pô Inư Negara”.
HÒN CHỒNG – HÒN ĐỎ
Danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ nằm bên bờ vịnh Nha Trang, thuộc hai phường Vĩnh Phước và Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang. Danh thắng gồm: Hòn Chồng, Hòn Đỏ, và Hội quán vịnh Nha Trang. Năm 1998, danh thắng được xếp hạng di tích Quốc gia.
THÁP BÀ PONAGAR NHA TRANG
Dưới vương triều Panduranga, người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ Nữ thần Ponagar là Mẹ Xứ sở của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII. Khu đền tháp có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo, tinh thần của dân tộc Chăm. Mỗi công trình chứa đựng những tinh hoa nghệ thuật của văn hóa Chămpa...
ĐỊA ĐIỂM LƯU NIỆM TÀU C235 (ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN)
Di tích địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) thuộc xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Đây là di tích lưu niệm sự kiện lịch sử và những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng đội Tàu C235 đã trở thành huyền thoại đi vào lịch sử và những áng văn chương.
QUẦN THỂ DI TÍCH LƯU NIỆM NHÀ BÁC HỌC ALEXANDRE JON EMILE YERSIN
A.Yersin là người Thụy Sĩ gốc Pháp. Ông sinh năm 1863 tại một miền quê thuộc tổng Vaud, hạt Lavaux, Thụy Sĩ. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với Việt Nam và ông coi Xứ Trầm hương là quê hương thứ hai của mình. Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung có nhiều địa danh gắn với sự nghiệp của A.Yersin, trong đó Khánh Hòa có quần thể di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia...
VĂN MIẾU DIÊN KHÁNH
Văn miếu là nơi thờ Đức Khổng Tử, người sáng lập Nho Giáo và những bậc hiền triết là học trò của Ngài; đồng thời cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, tôn vinh những người đỗ đạt thành danh trong các kỳ khoa bảng.
MIẾU TRỊNH PHONG
Miếu Trịnh Phong tọa lạc giữa thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh. Từ thành phố Nha Trang, theo đường 23/10 lên đến ngã tư Thành Diên Khánh là đến di tích, bên trái, cạnh cây Dầu Đôi to lớn đứng sừng sững bên đường 23/10.
VỊNH NHA TRANG
Vịnh Nha Trang có nét đẹp bao la của biển trời với 19 đảo lớn nhỏ nổi bật lên trên nền biển trong xanh và những bãi cát trắng phau, vàng óng dưới ánh mặt trời, trải dài ven bờ trên vòng cung vịnh. Đặc biệt, một số đảo có những hang đá có vô số chim yến về làm tổ, cho nguồn lợi lớn là yến sào được xem là vàng trắng của Việt Nam.
THÀNH DIÊN KHÁNH
Từ thành phố Nha Trang, đi đường 23/10 đến thị trấn Diên Khánh, rẽ phải vào đường Lý Tự Trọng, đi khoảng 500m là đến cổng Đông của Thành Diên Khánh. Thành Diên Khánh là tòa thành được xây dựng ở phủ Diên Khánh, còn là cơ quan hành chính của địa phương dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn.
ĐỀN TRẦN QÚY CÁP
Đền Trần Quý Cáp tọa lạc tại thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đền được xây dựng ở khu vực Gò Chết Chém (nằm bên trái Quốc lộ 1A - từ Bắc vào Nam), cách cầu Sông Cạn (nay là cầu Trần Quý Cáp) khoảng 50m về phía Nam và cách di tích Thành Diên Khánh 1km về phía Tây Bắc.