Những năm qua, việc gắn kết, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa với hoạt động du lịch đã được các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm triển khai. Tuy nhiên, vẫn cần những cú hích, chính sách cụ thể hơn để sự gắn kết này được bền vững, lâu dài.
Nhiều hoạt động tích cực
Vào trung tuần tháng 6-2022, Hội Lữ hành Khánh Hòa đã mở lại tour Theo dấu chân bác sĩ A.Yersin. Trong chương trình tour, du khách sẽ được đến các địa chỉ, địa điểm, di tích gắn liền với cuộc đời của ông Năm Yersin; tìm hiểu về những cống hiến, cũng như tình cảm của bác sĩ A.Yersin đối với người dân Nha Trang - Khánh Hòa và tình cảm của người dân dành cho ông. Theo ông Trần Minh Đức - Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, đây là sản phẩm du lịch nhằm góp phần vinh danh, tri ân bác sĩ A.Yersin và cụ thể hóa định hướng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử mà tỉnh đã đề ra.
Khách đến tham quan tại khu căn cứ cách mạng Đồng Bò.
Trong năm 2022, đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh cùng một số doanh nghiệp lữ hành cũng đã thực hiện khảo sát tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái tại căn cứ cách mạng Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa); địa điểm lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa); khu căn cứ cách mạng Đồng Bò (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang)… Ông Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Ninh Hòa cho biết, địa phương đã triển khai mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại xã Ninh Vân gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử địa điểm lưu niệm tàu C235. Trong kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn thời gian tới, thị xã có đề ra nhiệm vụ tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng tài nguyên, thực trạng phát triển các sản phẩm theo hướng khuyến khích phát triển du lịch biển đảo, sinh thái, văn hóa lịch sử.
TP. Nha Trang đã thực hiện việc giới thiệu một số di tích đình làng đến các doanh nghiệp du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; khai thác tiềm năng du lịch từ di tích lịch sử, văn hóa để đưa vào chương trình tour du lịch đồng quê, tour tham quan ven đô. Ở huyện miền núi Khánh Sơn, danh thắng thác Tà Gụ đã được UBND huyện kêu gọi, khuyến khích xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích cấp tỉnh. Huyện cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường, dự án du lịch gắn với di tích.
Cần hướng tới sự bền vững
Theo ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, hoạt động du lịch văn hóa đã nhận được sự quan tâm của du khách và doanh nghiệp là điều rất đáng khích lệ. Đến cuối tháng 11, riêng tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng đã đón gần 890.000 lượt khách, trong đó hơn 774.000 lượt khách có thu phí. Tuy nhiên, để việc gắn kết, phát huy giá trị di tích với hoạt động du lịch được bền vững, lâu dài thì vẫn còn nhiều việc cần làm. Trước hết, các địa phương cần chủ động phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đảm bảo gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế, du lịch với văn hóa; xây dựng, kết nối tour tuyến du lịch gắn với những địa danh nổi tiếng, các di tích đang thu hút khách tham quan trong tỉnh; có kế hoạch xây dựng các nhà trưng bày phù hợp tại một số di tích lịch sử cách mạng có quy mô lớn, phù hợp không gian, vị trí tại di tích…
Cùng với đó, các ngành, địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc xã hội hóa xây dựng tour, tuyến du lịch về nguồn, du lịch văn hóa; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, huy động tối đa các nguồn lực phát triển gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa. Đối với những di tích lịch sử cách mạng, cần ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện việc quy hoạch, phân khu chức năng nhằm tôn tạo, xây dựng các công trình bổ trợ cho di tích như: Đường giao thông, nhà trưng bày, một số khu dịch vụ hậu cần phù hợp; hỗ trợ, ưu tiên cho các doanh nghiệp làm du lịch thuê đất phù hợp tại các vùng đệm của di tích để thu hút xã hội hóa trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích…
Theo Báo Khánh Hòa
Xem thông tin gốc bài viết: Tại đây