Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giới thiệu, tìm hiểu về di tích. Qua đó, góp phần giúp người dân, du khách hiểu hơn về các di tích trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng thuyết minh viên
Mới đây, đội ngũ thuyết minh viên thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã có chuyến tham quan, tìm hiểu thực tế tại Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Bà Nguyễn Thị Hằng Phương - Tổ trưởng Tổ thuyết minh cho biết: “Thông qua chuyến đi thực tế, các thuyết minh viên đã học hỏi được thêm những cách thức, kỹ năng giới thiệu, thuyết minh cho du khách hiểu về di tích; trang bị thêm những kiến thức văn hóa, lịch sử liên quan đến công việc của bản thân. Chuyến đi cũng tạo cơ hội để các thuyết minh viên được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp với đồng nghiệp tại điểm đến”.
Thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh giới thiệu về di tích Tháp Bà Ponagar cho học sinh.
Hiện tại, đội ngũ thuyết minh viên của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh có 11 người, hầu hết đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học chuyên ngành xã hội, một số người có bằng thạc sĩ hoặc đang theo học chương trình cao học văn hóa. Mỗi thuyết minh viên đều có thẻ hướng dẫn viên du lịch và có thể giao tiếp cơ bản hoặc hướng dẫn, thuyết minh với du khách nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung… Trong năm 2022, đội ngũ thuyết minh viên đã thực hiện giới thiệu, thuyết minh cho 1.615 đoàn khách du lịch trong và ngoài nước, với số lượng hơn 24.200 người. Đồng thời, phục vụ hướng dẫn, thuyết minh lượng lớn các đoàn khách là lãnh đạo Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố khác và những đoàn học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Để giới thiệu, thuyết minh về các di tích trên địa bàn tỉnh nói chung, Khu di tích Tháp Bà Ponagar, danh thắng Hòn Chồng nói riêng, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã chuẩn hóa nội dung, thông tin trong các bài thuyết minh. Trên cơ sở đó, từng thuyết minh viên tự xây dựng bài nói phù hợp với phong cách, thế mạnh của bản thân. Tuy đã xây dựng được đội ngũ thuyết minh viên có năng lực chuyên môn tương đối đồng đều, nhưng lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh vẫn thường xuyên thực hiện việc sát hạch đánh giá năng lực của từng thuyết minh viên theo định kỳ. Ngoài ra, vào mỗi tuần, các thành viên trong đội thuyết minh cũng tự sinh hoạt nghiệp vụ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng của cá nhân.
Số hóa thông tin di tích
Thực hiện chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2020, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã tiến hành thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng trên các nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu về di tích, di sản văn hóa trên phần mềm http://qlhsdtkh.org.vn đối với 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh, 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trung tâm cũng đã hoàn thành việc số hóa 3D về mỹ thuật đối với công trình kiến trúc di tích Tháp Bà Ponagar; đưa vào sử dụng ứng dụng công nghệ số hóa 3D các hiện vật công trình lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Nha Trang qua phần mềm http://khanhhoa360.vn.
Với mong muốn giúp người dân, du khách có thể tìm hiểu dễ dàng thông tin về một số di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, ngoài website http://ditichkhanhhoa.org.vn, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cũng đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động sử dụng mã QR (QR Guiding) để giới thiệu di tích Tháp Bà Ponagar phục vụ nhu cầu của du khách. Ứng dụng này sẽ giúp du khách có thể chủ động tìm hiểu toàn bộ nội dung liên quan đến di tích Tháp Bà Ponagar như: lịch sử hình thành, giá trị văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, kiến trúc nghệ thuật… “Tôi thấy việc sử dụng điện thoại quét mã QR Guiding để được nghe thuyết minh và tìm hiểu thông tin về di tích Tháp Bà Ponagar vừa hiện đại, vừa mang đến nhiều tiện ích cho khách tham quan. Du khách có thể tự tìm hiểu về di tích theo sở thích của mình”, ông Nguyễn Duy Báu - du khách đến từ TP. Hà Nội cho biết.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, sau hơn 1 năm áp dụng QR Guiding ở di tích Tháp Bà Ponagar đã cho thấy những hiệu quả nhất định trong hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về di tích. Từ đây, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tiếp tục xây dựng mã QR Guiding đối với 15 di tích cấp quốc gia còn lại và đã hoàn thành vào tháng 8-2022. Hiện tại, đơn vị đang triển khai lập bản đồ số chỉ dẫn các di tích trên địa bàn tỉnh; tổ chức khảo sát, thống kê, lập danh mục, cập nhật phần mềm số và gắn mã QR đối với hệ thống cây xanh có giá trị tại di tích Tháp Bà Ponagar. Tất cả nhằm hướng tới việc phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách một cách hiệu quả nhất. Từ đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di tích đến người dân, du khách trong và ngoài nước.
Theo Báo Khánh Hòa
Xem thông tin gốc bài viết: Tại đây