Hotline: (0258) 3813 758

LĂNG PHÚ HỘI

20/03/2018 00:00        
Đọc tin

Di tích tọa lạc tại thôn Phú Hội, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (xưa kia là Phú Hội Tây thôn, thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa).

Dưới triều vua Minh Mệnh năm thứ 3 (1823), một số ngư dân ở Sông Cầu (Phú Yên) lần lượt tìm đến vùng biển Phú Hội Tây thôn để định cư, lập nghiệp. Trong số những cư dân đó có ông Nguyễn Hậu đã dẫn theo cả gia đình vào cư trú. Năm Tự Đức thứ 6 (1853), con trai trưởng của ông Nguyễn Hậu là Nguyễn Tặc phát hiện một Cá Cô (cá voi cái) “lụy” vào bờ biển gần nhà ông ở. Ông Nguyễn Tặc và ngư dân trong thôn Phú Hội Tây làm lễ rước Cá Voi đem về chôn ở khu đất nghĩa trang trong khuôn viên Lăng Phú Hội bây giờ. Kể từ ngày chôn cất Cá Cô, gia đình ông Nguyễn Tặc nói riêng và cộng đồng ngư dân trong thôn Phú Hội Tây nói chung ra khơi đánh bắt hải sản ngày càng bội thu. Sau khi chịu tang 2 năm, đến năm 1855 (niên đại Tự Đức thứ 8), để có nơi thờ cúng trang nghiêm, ngư dân trong thôn cất một Lăng nhỏ (ở vị trí Lăng hiện tại) theo dạng Thủ kỳ (có 4 trụ, mái lợp lá dừa, xung quanh trát đất); sau đó, vạn lạch tổ chức lễ khai cốt Cô rồi làm lễ “nhập điện”. Lăng Phú Hội hiện nay thờ thần Nam Hải, Thổ Công, Tiền hiền (ông Nguyễn Tặc), Hậu hiền (ông Trần Hữu Dư), Hà Bá, Sơn lâm.

Từ khi khởi dựng đến nay, đã có 10 lần Ông và Cô Nam Hải “lụy” vô và Lăng Phú Hội đang thờ 9 quách đựng “ngọc cốt” (trong đó có 2 bộ cốt Ông và 7 bộ cốt Cô). Lần gần đây nhất là vào ngày 04/11/2012 có thêm một Cô “lụy” vào bãi biển gần Lăng và đang được an táng tại khu đất nghĩa trang của Lăng.

Trải qua thời gian di tích đã tu bổ bốn lần:
- Lần thứ nhất, Tự Đức năm thứ 15 (1865). Do lăng ở gần biển nên sóng gió làm lăng bị xuống cấp. Ông Nguyễn Tặc cùng ngư dân trong thôn ra địa điểm Hòn Vung chở đá san hô về đẽo thành gạch, hầm vôi cất lại Lăng.
- Lần thứ hai, Thành Thái năm thứ 12 (1900) do Lý trưởng Nguyễn Tiến làm đốc công.
- Lần thứ ba, năm 1957 do ông Phan Nuôi gác dông, ông Trần Hữu Dư lập sơ đồ thiết kế và cùng nhân dân trong thôn đứng ra tu bổ.
- Lần thứ tư, năm 2002. Lăng bị gió bão làm sập. Ông Trương Ngọc Tấn vận động mọi người xây dựng lại Lăng.

Lăng Phú Hội nằm trên một bãi cát ven biển, có diện tích 1.120m2. Từ ngoài vào trong, Lăng Phú Hội bao gồm các công trình kiến trúc như sau: Nghi môn, sân, miếu Sơn lâm, miếu Hà Bá, nghĩa trang Cá Voi, Chính điện, nhà tiền hiền. Trong đó, chính điện là công trình chính của di tích với nhiều nét kiến trúc tiêu biểu đặc trưng của các lăng ở nơi đây.

Chính Điện có ba cửa ra vào bằng gỗ theo kiểu “bức bàn”; phía trên tường của ba cửa vẽ trang trí hoa văn hình chim, cò và phong cảnh thiên nhiên. Chính Điện có hai mái trước và sau, lợp ngói tây; bờ nóc đắp biểu tượng “Lưỡng long triều dương”. Dải tường ngang chắn gờ mái phía trước đắp trang trí: Rồng cách điệu, “Lưỡng long triều dương”...

Trong chính điện có bốn ban thờ: chính giữa là một long đình bằng gỗ được chạm khắc hoa văn hình linh vật tinh xảo và sống động, sau là ban thờ thần Nam Hải, trước ban thờ đặt một đôi lọng, hai bên đặt hai đại đao, bệ thờ vẽ trang trí “Long cuốn thủy”. Phía trong ban thờ là 9 quách bằng gỗ sơn đỏ đựng “ngọc cốt” của Ông và Cô từ xưa cho đến nay; hai bên là ban thờ Tả ban và Hữu ban.

Hàng năm, vào ngày 25/8 âm lịch nhân dân tổ chức cúng Lăng, ngoài phần lễ tại di tích còn diễn ra lễ hội nghinh Ông độc đáo, mang đậm nét bản sắc văn hóa truyền thống của cư dân ven biển Nam Trung bộ. Lăng Phú Hội là nơi thờ cá Ông theo một tín ngưỡng có từ lâu đời của ngư dân làm nghề biển, thể hiện đức tin của ngư dân khi ra khơi đánh bắt sẽ được Thần Nam Hải phù trợ, nâng đỡ. Di tích còn bảo lưu được 01 sắc phong của vua Khải Định ban tặng năm 1924. Đây là bản sắc phong duy nhất hiện nay phát hiện ở Khánh Hòa có mỹ hiệu “Nam Hải Đức Ngư thần nương”.

Ghi nhận những giá trị lịch sử - văn hóa tiêu biểu của Lăng Phú Hội, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 58/QĐ-UBND, ngày 07/1/2013 xếp hạng là Di tích cấp tỉnh.

                                                                                       Nguyễn Chí Khải

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                     

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
CHÙA LONG SƠN
Chùa Long Sơn tọa lạc ở thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (vào đầu triều Nguyễn là một phần đất của thôn Tiền Cang, thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa)
ĐÌNH HIỀN LƯƠNG
Ngoài giá trị về lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, đình Hiền Lương còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị minh chứng cho quá trình tồn tại của ngôi đình như: bát bửu (16 chiếc), long đình được chạm trổ tinh xảo, chiêng trống, mõ... Đặc biệt, đình Hiền Lương còn lưu giữ ba đạo sắc phong do các vị vua triều Nguyễn ban tặng gồm:
ĐÌNH HẢI TRIỀU
Đình Hải Triều được khởi dựng do nhu cầu của cộng đồng cư dân khi đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp. Đây là một đặc trưng truyền thống về lễ nghi, tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân Khánh Hòa nói chung và người dân Vạn Ninh nói riêng.
ĐÌNH BÌNH TRUNG
Đình Bình Trung hiện nay thuộc thôn Bình Trung, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (vào thời Nguyễn là một phần đất của Bình Sơn xã, thuộc tổng Hạ, huyện Quảng Phước, phủ Bình Hòa)[1], nằm cách thành phố Nha Trang 63km về hướng Bắc. Đình Bình Trung tọa lạc trên một khu đất địa thế đẹp, không gian thoáng mát giữa khu dân cư, có diện tích 910.4m2, đình quay hướng Nam.
ĐÌNH QUẢNG HỘI
Đình Quảng Hội được khởi dựng trước năm 1852, để thờ Bản cảnh Thành Hoàng và các vị thần phù trợ khác. Ban đầu, Đình được xây dựng với kết cấu đơn giản, chủ yếu tận dụng từ các nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương, mái lợp tranh, vách đất.