Hotline: (0258) 3813 758

CHÙA THANH TRIỀU

16/07/2018 00:00        
Đọc tin

Chùa Thanh Triều còn có tên gọi dân dã là chùa Ông, thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (xưa là Hà Bạc Thuộc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh)[1], cách thành phố Nha Trang khoảng 40 km về hướng Nam.

Di tích tọa lạc trên một gò cát trắng mịn với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trước mặt là đầm Thủy Triều và đã đi vào thơ ca:
- Nhất miếu Rù Rì.
- Nhì đình Trà Long.
- Ba chùa Ông Thủy Triều.

Chùa Thanh Triều được khởi dựng vào năm Kỷ Mão (1819) do một số người Việt gốc Hoa đứng lên xây dựng, để thờ Quan Thánh Đế quân, vị thánh được thờ ở nhiều nước phương Đông, có sự giao thoa, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa như: Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... Ngài biểu tượng cho nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho lòng danh dự, dũng cảm trung thành. Ngoài ra, di tích còn thờ tướng quân Châu Xương và hoàng tử Quan Bình.

Năm 1914, niên hiệu Duy Tân thứ 8, nhân dân tôn tạo thêm nhà Tiền đường để dùng làm nơi tế tự. Năm 1941, đại tu bổ chùa và từ đó các hạng mục, công trình được giữ nguyên đến này nay.

Chính điện chùa Thanh Triều

Các hạng mục, công trình kiến trúc của chùa gồm: Nghi môn, miếu Sơn Lâm, tiền đường và chính điện, tọa lạc trên một khuôn viên có tổng diện tích 1.730m2, với không gian, cảnh quan thoáng đãng, cây cối rợp bóng mát ven đầm Thủy Triều.

Kết cấu kiến trúc chủ đạo của Chính điện là hệ thống chịu lực bằng bộ khung gỗ, trong đó bộ vì kèo là yếu tố cơ bản liên kết với cột, xà, kẻ… trên cột được trang trí linh vật “Rồng cuốn”.  Các kết cấu chịu lực vừa nâng đỡ hệ mái lại vừa là đơn vị cấu thành tổ chức không gian của công trình, hai bộ vì ở đây liên kết với nhau tạo thành một gian.

Ngoài nét đẹp độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, chùa Thanh Triều còn bảo lưu được nhiều di vật, cổ vật có giá trị: Ba pho tượng cổ, hoành phi, câu đối, bộ Minh – Kinh Thánh, các bức tranh vẽ, bài văn cúng, nhạc cúng...

Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ vía Ông ngày 13 tháng Giêng (Âm lịch).

Chùa Thanh Triều là một di tích được hình thành sớm trên vùng đất Cam Lâm, được thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của người Hoa với hai chức năng vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ tự, vừa là nơi hội quán hội họp của cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Cam Lâm. Thông qua lịch sử Chùa Thanh Triều và các di tích của người Hoa ở vùng đất Khánh Hòa đã cho chúng ta hiểu phần nào về lịch sử định cư của người Hoa và các thương cảng buôn bán tấm nập ở ven các con sông, đầm lớn ở trên mảnh đất này. Không chỉ vậy chùa còn lưu dấu sự giao lưu văn hóa Việt – Hoa qua các thời kỳ lịch sử.

Với những giá trị tiêu biểu trên, Chùa Thanh Triều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 2848/QĐ-UBND, ngày 18/11/2008 xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Nguyễn Chí Khải

[1] Nguyễn Đình Đầu dịch, (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn Khánh Hòa, NXB TP Hồ Chí Minh.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
ĐÌNH THỦY TRIỀU
Đình Thủy Triều nằm trong không gian cảnh quan phù hợp với công trình văn hóa tín ngưỡng, dưới tán cây Me cổ thụ vài trăm năm tuổi, phía trước là đầm Thủy Triều. Bố cục mặt bằng các hạng mục công trình kiến trúc của Đình được dàn trải theo chiều rộng gồm: Nghi môn, án phong, võ ca, sân đình, miếu Tiền hiền, miếu Sơn Lâm, miếu Thanh Minh, tiền tế, chính điện.
MIẾU THIÊN Y A NA
Miếu Bà Thiên Y A Na còn có tên gọi khác là miếu Bà Đá Chồng, miếu Bà Lỗ Đá, thuộc thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía Tây Nam (xưa là An Lộc xã, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh).
ĐÌNH VINH BÌNH
Đình Vinh Bình là một công trình kiến trúc còn bảo lưu được nhiều yếu tố kiến trúc gốc; đồng thời, đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, nơi gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, những sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương.
ĐÌNH LẬP ĐỊNH
Đình Lập Định chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, các hình tượng được trang trí trên các cấu kiện kiến trúc khá đồng nhất về mặt kỹ thuật cũng như phong cách, thể hiện tính đặc trưng truyền thống ở Khánh Hòa như: nghệ thuật đắp nổi: “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Hổ phù”, “Hổ”, hoa văn cách điệu hình rồng, nghệ thuật hội họa về tranh phong cảnh đồng bằng và biển đảo
ĐÌNH KHÁNH THÀNH
Đình Khánh Thành tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng với tổng diện tích 1.511,5m2, nằm phía Bắc của thôn, di tích quay hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án Phong, tiền tế, hậu điện, miếu Tiền hiền, nhà tây, giếng nước, miếu Quan Thánh, mộ Cao Tổ.
ĐÌNH CỬU LỢI
Đình Cửu Lợi nằm giữa thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Theo lời kể của các cụ hào lão: xã Cam Hòa hình thành cách đây khoảng 200 năm, do một số quan lại dưới triều đại phong kiến đưa dân từ Diên Khánh, Thủy Triều đến khai khẩn đất đai và hình thành làng xóm. Làng Cửu Lợi trước đây được gọi là xứ Đồng Bông...