Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH CỬU LỢI

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Cửu Lợi nằm giữa thôn Cửu Lợi 3, xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Theo lời kể của các cụ hào lão: xã Cam Hòa hình thành cách đây khoảng 200 năm, do một số quan lại dưới triều đại phong kiến đưa dân từ Diên Khánh, Thủy Triều đến khai khẩn đất đai và hình thành làng xóm. Làng Cửu Lợi trước đây được gọi là xứ Đồng Bông và ngày nay dân làng vẫn còn nhớ câu ca dao:

“Đồng Bông đi dễ khó về
Trai đi thì một gái về thì hai”

Theo các cụ hào lão, đình Cửu Lợi được xây dựng năm 1854 ở đất Gò Đình. Do ông Tống Mên sinh năm 1812 đứng ra xây dựng. Sau đó, đình bị cháy và được nhân dân dời về vị trí hiện nay. Đình đã được tiến hành tu bổ một số lần như sau:
- Lần thứ nhất: (không rõ thời gian) sau khi đình bị cháy dân làng lập lại đình tại vị trí hiện nay.
- Lần thứ hai: năm 1949, sau khi bị thực dân Pháp đập phá đình, dân làng hồi cư và xây dựng lại bằng tranh.
- Lần thứ ba: năm 1957, xây dựng lại bằng gạch, vôi vữa.
- Lần thứ tư: năm 1996, tu bổ Đình, Miếu.
- Lần thứ năm: năm 2003, tu bổ nhà Đông.
- Lần thứ sáu: năm 2015, tu bổ Đại đình.

Tên gọi Cửu Lợi do ông Tống Văn Thành (sinh năm 1853) đặt với ý nghĩa “Cửu” là chín, tức là 9 lợi là kinh tế, tên gọi này tồn tại từ xưa đến nay. Đình Cửu Lợi quay hướng Đông Nam. Theo thuật phong thủy, đình lấy sông Trường làm “Tiền án” (chảy từ đập Cam Ranh thượng về ngang qua phía trước đình) và núi Hòn Lớn (Hòn Ngang) làm “Hậu sơn” . Đình Cửu Lợi nằm trong khuôn viên rộng 2.755m2 ,  có vườn xoài tỏa bóng mát. Đình lợp ngói tây, hệ mái có cổ lầu và gắn các hoa văn trang trí hình rồng, mây cách điệu…

Từ ngoài nhìn vào di tích có các hạng mục công trình sau: Nghi môn và tường bao, án phong, võ ca, đại đình, miếu Tiền hiền - Sơn Lâm - Thanh minh, nhà đông.

Mặt bằng tổng thể của đình Cửu Lợi

Đình Cửu Lợi thờ Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, Thanh Minh, Sơn Lâm. Ngoài ra, nhân dân thôn Cửu Lợi còn thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu và Ngũ hành thần nữ ở một ngôi miếu nhỏ rìa Đông của thôn (giữa đồng). Miếu có sắc phong hiện được lưu giữ ở đình. Ban quản lý đình cũng quản lý miếu và mỗi dịp tế lễ của đình cũng tế lễ ở miếu.


 Chính điện của đình Cửu Lợi

Ngày nay, đình Cửu Lợi còn gìn giữ được các câu đối, lư hương, chiêng, trống, mõ… và 04 sắc phong do các đời vua triều Nguyễn ban, gồm:
- Sắc Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Đồng Khánh năm thứ hai (1887) phong cho Thiên Y A Na;
- Sắc Khải Định năm thứ chín (1924) gồm hai sắc phong cho Bổn cảnh Thành hoàng và Thiên Y A Na.

Theo truyền thống, cứ ba năm đình mở hội một lần, kéo dài trong ba ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch và có tổ chức hát bội.

Nghi lễ diễn ra trong lễ hội:
- Lễ tỉnh sanh
- Lễ tế thần
- Lễ cúng Thiên Y A Na Thánh mẫu và Ngũ hành thần nữ
- Hát thứ lễ
- Lễ tống na.

Trong những năm tháng kháng chiến chống phát xít Nhật, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Cửu Lợi đã cùng cả nước chống ngoại xâm. Làng đã có một bà mẹ Việt Nam anh hùng và hai mươi hai liệt sỹ. Trước năm 1945, làng Cửu Lợi chỉ có khoảng 70 hộ dân. Năm 1946, khi biết đình là nơi hội họp của cán bộ cách mạng, thực dân Pháp đã đập phá đình, chỉ còn trơ lại bốn cây cột. Năm 1949, nhân dân sau khi hồi cư đã xây dựng lại đình và đây vẫn tiếp tục là cơ sở liên lạc của cách mạng. Sau ngày thống nhất đất nước, đình trở thành nơi hội họp của chính quyền và người dân trong thôn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, ngày nay đình Cửu Lợi tuy không còn giữ lại được những kiến trúc cũ nhưng nơi đây vẫn trở thành chứng tích của lịch sử.

Ghi nhận những giá trị tiêu biểu trên của di tích, ngày 12/11/2007 đình Cửu Lợi được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại quyết định số 2019/QĐ-UBND.

                                                                     Nguyễn Thị Hồng Tâm

 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
MIẾU THIÊN Y A NA
Miếu Bà Thiên Y A Na còn có tên gọi khác là miếu Bà Đá Chồng, miếu Bà Lỗ Đá, thuộc thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía Tây Nam (xưa là An Lộc xã, thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh).
ĐÌNH VINH BÌNH
Đình Vinh Bình là một công trình kiến trúc còn bảo lưu được nhiều yếu tố kiến trúc gốc; đồng thời, đình còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh, nơi gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, những sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương.
ĐÌNH LẬP ĐỊNH
Đình Lập Định chứa đựng nhiều giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật, các hình tượng được trang trí trên các cấu kiện kiến trúc khá đồng nhất về mặt kỹ thuật cũng như phong cách, thể hiện tính đặc trưng truyền thống ở Khánh Hòa như: nghệ thuật đắp nổi: “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Hổ phù”, “Hổ”, hoa văn cách điệu hình rồng, nghệ thuật hội họa về tranh phong cảnh đồng bằng và biển đảo
ĐÌNH KHÁNH THÀNH
Đình Khánh Thành tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng với tổng diện tích 1.511,5m2, nằm phía Bắc của thôn, di tích quay hướng Đông. Từ ngoài vào trong, đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, án Phong, tiền tế, hậu điện, miếu Tiền hiền, nhà tây, giếng nước, miếu Quan Thánh, mộ Cao Tổ.
CHÙA THANH TRIỀU
Chùa Thanh Triều được khởi dựng vào năm Kỷ Mão (1819) do một số người Việt gốc Hoa đứng lên xây dựng, để thờ Quan Thánh Đế quân, vị thánh được thờ ở nhiều nước phương Đông, có sự giao thoa, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa như: Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... Ngài biểu tượng cho nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho lòng danh dự, dũng cảm trung thành. Ngoài ra, di tích còn thờ tướng quân Châu Xương và hoàng tử Quan Bình.