Hotline: (0258) 3813 758

LỄ THAY Y THÁNG 7 ÂM LỊCH TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR NHA TRANG

15/08/2024 00:00        
Đọc tin

Sáng ngày 15/8 (nhằm ngày 12 tháng 7 Âm lịch), lễ thay y định kỳ tại di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang đã diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng. Đây là nghi lễ được tổ chức định kỳ 03 lần trong năm vào tháng Giêng, tháng Ba và tháng Bảy Âm lịch. Đây là một trong những nghi thức quan trọng, thể hiện sự tôn kính của người dân đối với Thánh Mẫu Thiên Y A Na. 

Xếp khăn lau tượng Mẫu

Quá trình chuẩn bị cho nghi lễ đã được triển khai trước đó vài ngày, công tác sắp xếp các hiện vật như y phục và mão (mũ) – là những hiện vật người dân dâng cúng lên Thánh Mẫu. Y (áo) và mão (mũ) dâng cúng đều được may thủ công cầu kỳ, đính đá hình rồng nổi phía trước ngực. Việc chuẩn bị nấu nước tắm Mẫu cũng được chuẩn bị và thực hành hết sức chu đáo, trang nghiêm. Nước tắm được đun sôi, nấu cùng với rượu gạo, hoa điệp và cúc vàng được chuẩn bị và rửa sạch, khi đủ độ chín và hương thơm thì tiến hành lọc qua 2 lớp vải để có được nước sạch và thơm nhất. Việc nấu nước tắm diễn ra từ 6h sáng đến khoảng 8h30 thì kết thúc. Ngoài ra hương hoa, trầu cau, nước, trầm, trà, rượu, bánh chay,… là những vật phẩm không thể thiếu để dâng cúng lên Thánh Mẫu và các vị thần linh sau lễ Thay y.

Cắm hoa dâng Mẫu

Nấu nước thơm để tắm Mẫu

Theo trình tự, sau bước dâng hương để xin phép tiến hành lễ thay y của đại diện Ban nghi lễ và  Ban Quản lý di tích Tháp Bà, các lễ vật trên ban thờ được dọn ra phía ngoài; các thùng nước thơm, khăn gấp, áo mão, trang sức của Mẫu và Cô, Cậu sẽ được mang vào tháp trước. Sau đó Ban nghi lễ thực hiện việc thay y, ban đầu là xin phép cởi xiêm y, trang sức của Mẫu xuống và tiến hành tắm tượng. Việc tắm tượng được tiến hành chu đáo, tỉ mỉ và cẩn trọng. Sau khi hoàn thành việc tắm tượng, dùng quạt tay quạt khô thân tượng, xức nước hoa cho thơm rồi tiến hành mặc xiêm y, đeo trang sức và đội mão mới. Thực hiện quy trình này ở tượng Mẫu trước sau đó tiến hành các bước tương tự cho hai bên Cô và Cậu. Quá trình này diễn ra trong khoảng 1 tiếng rưỡi với không khí vô cùng thành kính và trang nghiêm.

Ban Nghi lễ đang thực hiện nghi thức cúng Tạ

Sau lễ thay y, Ban nghi lễ Tháp Bà và đại diện Ban quản lý Tháp Bà Ponagar sẽ thực hiện lễ cúng chay để tạ ơn Mẫu cho buổi lễ thay y được diễn ra suôn sẻ và thành công.

Tin, bài và Ảnh: Công Huyền Tôn Nữ Ý Uyên

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐẶC SẮC BÀI CHÒI KHÁNH HÒA
Nằm trong vùng di sản văn hóa phi vật thể bài chòi miền Trung đã được UNESCO vinh danh vào năm 2017, bài chòi Khánh Hòa vừa mang giá trị chung, vừa có những nét đặc sắc riêng so với các địa phương khác.
DU LỊCH TÂM LINH THEO ĐẠO MẪU - HÌNH THỨC DU LỊCH GẮN LIỀN VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI VIỆT Ở KHÁNH HÒA
Khánh Hòa có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh nhờ bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện qua các danh thắng, di tích, lễ hội trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu mà cụ thể là tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Việt tại Khánh Hòa được xem là nổi bật và khác biệt nhất.
CHỜ MONG LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI
Sau gần 5 năm được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lần đầu tiên, tại Nha Trang sẽ diễn ra liên hoan nghệ thuật bài chòi với sự góp mặt của gần 300 nghệ nhân, diễn viên bài chòi trong và ngoài tỉnh.
"PHÙ THỦY" TRANH CÁT
Cát bụi không là vô tri như ai đó đã hát. Hạt cát nhỏ bé cũng có linh hồn. Mỗi hạt cát chở theo vô vàn ký ức, bao câu chuyện về sự vần xoay của gió, của nắng. Từ những hạt cát muôn màu ở bờ biển, sông, suối, bãi bồi, do chính tay mình đem về, Nghệ nhân, “phù thủy” tranh cát Trần Thị Thu ở TP Nha Trang, Khánh Hòa đã biến chúng thành các tác phẩm tranh cát ấn tượng.