Hotline: (0258) 3813 758

"PHÙ THỦY" TRANH CÁT

30/05/2017 00:00        
Đọc tin
Cát bụi không là vô tri như ai đó đã hát. Hạt cát nhỏ bé cũng có linh hồn. Mỗi hạt cát chở theo vô vàn ký ức, bao câu chuyện về sự vần xoay của gió, của nắng. Từ những hạt cát muôn màu ở bờ biển, sông, suối, bãi bồi, do chính tay mình đem về, Nghệ nhân, “phù thủy” tranh cát Trần Thị Thu ở TP Nha Trang, Khánh Hòa đã biến chúng thành các tác phẩm tranh cát ấn tượng.

Nhen lại lửa đam mê

Tôi dừng lại dưới chân Tháp Bà Ponagar, trước người phụ nữ trạc ngoại thất tuần đang mê mải cầm chiếc thìa tre dài xúc từng nhúm cát nhỏ bỏ vào chiếc khung tranh bằng kính trong suốt rồi nén chặt lại. Tôi đứng đó rất lâu. Thời gian như ngưng đọng trên mái tóc hoa râm của bà. Từng đường nét, từng chi tiết của bức tranh phong cảnh dần hiện ra sống động. Bất chợt, bà ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt ấm áp và nụ cười hồn hậu. Giọng người xứ Nghệ nghe trầm ấm: “Anh hỏi chi”? Thấy tôi trả lời bằng giọng Bắc, bà hỏi có phải ở Hà Nội vô không? Bao kỷ niệm của một thời hoa nắng chợt ùa về xốn xang trong câu chuyện… Bà là Trần Thị Thu, người gốc Huế, là con thứ hai trong một gia đình có đến 9 người con. Mê hội họa từ nhỏ, nhiều khi mải vẽ đến quên ăn, quên ngủ. Từ niềm đam mê cháy bỏng ấy, bà quyết định rời xa gia đình đăng ký thi Trường Trung cấp Mỹ nghệ gốm Hà Nội, nay là Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ra trường, bà về nhận công tác tại Xí nghiệp gốm Cầu Đước, thuộc TP Vinh (Nghệ An). Chiến tranh nổ ra, bà về sơ tán tại Nghĩa Đàn và chuyển sang làm công việc kế toán. Niềm đam mê hội họa thời trẻ đành gác lại để bươn trải với cơm áo, gạo tiền nuôi 5 người con ăn học. Có lúc đam mê tưởng chừng đã tắt…

Nghỉ hưu, bà Thu theo con về TP Nha Trang sinh sống. Có nhiều thời gian rảnh rỗi, bà nhen lại đam mê với nghiệp vẽ. Khoảng năm 2003, các con của bà mang về hai túi cát màu đen và vàng lấy từ vịnh Vân Phong, bà rất ngạc nhiên và thích thú bởi màu sắc tuyệt đẹp của nó. Trong đầu bà nảy ra ý nghĩ làm tác phẩm gì đó từ chất liệu này. Bà bảo các con mang về cho bà nhiều cát hơn với nhiều màu hơn. Đầu tiên bà làm sạch cát, phơi khô, sàng lọc để có được thứ bột mịn và vẽ bằng những dụng cụ thô sơ tự “chế” như chiếc thìa tre dài, mỏng để xúc cát đổ vào khung, que tre nhọn một đầu để điều chỉnh màu. Thất bại và định từ bỏ nhiều lần, nhưng bà lại tự thuyết phục bản thân thử thêm lần nữa. Cứ thế, sau nhiều cố gắng, những cảnh đẹp của Nha Trang như: tháp Bà Ponagar, vịnh Nha Trang, bãi biển, những cây cầu, các cô gái Việt trong trang phục truyền thống, tranh thư pháp chữ Hán… dần dần hiện ra.

Nghệ nhân có đôi tay vàng

Thành công bước đầu khiến bà thêm động lực tiếp tục sáng tạo. Bà Thu tự nhủ, giờ là lúc phải sáng tạo ra tranh cát hai mặt, những hình ảnh khác nhau trong cùng một khung tranh. Không biết bao nhiêu lần bà phải đổ cát đi làm lại, vì với tranh cát chỉ đặt một hạt sai vị trí thì cả bức tranh bị hỏng. Cứ kiên trì, nhẫn nại làm đi làm lại như thế, những nghĩ suy theo bà cả vào giấc ngủ chập chờn. Trời không phụ lòng người, cuối cùng bà đã tìm ra phương pháp tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, những món quà lưu niệm tuyệt vời. Bà còn sáng tạo tranh cát đựng trong ly rượu vang, cốc thủy tinh… sinh động. Bức nhỏ thì làm trong dăm bảy ngày, lớn hơn có khi ngốn cả tuần, cả tháng. Bà bảo, tranh của bà có thể cầm lên xoay nghiêng, dốc ngược hay lắc thoải mái mà không sợ nguyên liệu cát bên trong bị trộn lẫn vào nhau, dẫu bà không hề trộn bất cứ chất liệu kết dính nào trong cát.

Bà Thu cho biết, sau một thời gian dài cả gia đình rong ruổi khắp các tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ để tìm kiếm nguyên liệu làm tranh, giờ trong nhà bà đã có ngót 60 loại cát màu khác nhau, khối lượng có thể dùng làm tranh trong 5 năm mới hết. Tranh cát của nghệ nhân Trần Thị Thu thể hiện khá nhiều chủ đề nhưng chủ đề bà yêu thích, dành nhiều tâm huyết nhất chính là danh lam thắng cảnh của TP Nha Trang nơi bà đang sống và về Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh về Bác qua các bức tranh cát như: Bác Hồ ở chiến dịch Biên giới, Bác Hồ với Hải quân Việt Nam, Bác Hồ trong cuộc sống đời thường… sống động, gần gũi. Gần đây bà còn chép lại các bức tranh dân gian Đông Hồ, với mong muốn cho khách quốc tế thấy bản sắc văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và giàu tính nhân văn.

Hơn 15 năm miệt mài sáng tạo với cát, nghệ nhân Trần Thị Thu đã được giới trong nghề trìu mến gọi là “phù thủy tranh cát”; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng danh hiệu “Bàn tay vàng của nghệ thuật tranh cát”. Nhưng với bản thân bà, điều quan trọng là được thỏa đam mê và chứng minh tranh cát cũng là một môn nghệ thuật. ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, có lẽ trăn trở lớn nhất là người nối nghiệp. Không ít người đã đến gặp bà “bái sư học nghệ” nhưng do thiếu đam mê và lòng kiên trì nên đều bỏ dở. Mấy người con cũng mỗi người mỗi nghiệp, chẳng ai theo nghiệp bà. May mắn có cô cháu nội 10 tuổi đã có thể ngồi cả ngày làm tranh cát, nhưng tuổi ấy, chẳng biết đam mê có giữ được bền lâu?

Nguồn: daibieunhandan.vn

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
ĐẶC SẮC BÀI CHÒI KHÁNH HÒA
Nằm trong vùng di sản văn hóa phi vật thể bài chòi miền Trung đã được UNESCO vinh danh vào năm 2017, bài chòi Khánh Hòa vừa mang giá trị chung, vừa có những nét đặc sắc riêng so với các địa phương khác.
DU LỊCH TÂM LINH THEO ĐẠO MẪU - HÌNH THỨC DU LỊCH GẮN LIỀN VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU CỦA NGƯỜI VIỆT Ở KHÁNH HÒA
Khánh Hòa có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh nhờ bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện qua các danh thắng, di tích, lễ hội trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu mà cụ thể là tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Việt tại Khánh Hòa được xem là nổi bật và khác biệt nhất.
CHỜ MONG LIÊN HOAN NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI
Sau gần 5 năm được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, lần đầu tiên, tại Nha Trang sẽ diễn ra liên hoan nghệ thuật bài chòi với sự góp mặt của gần 300 nghệ nhân, diễn viên bài chòi trong và ngoài tỉnh.