Khánh Hòa có thế mạnh phát triển du lịch tâm linh nhờ bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện qua các danh thắng, di tích, lễ hội trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó loại hình du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu mà cụ thể là tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na của người Việt tại Khánh Hòa được xem là nổi bật và khác biệt nhất.
Tín ngưỡng thờ Mẫu vốn được coi là tín ngưỡng dân gian bản địa và rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt, nên có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong tâm thức người dân. Ngày 01/12/2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là điều kiện quan trọng để tín ngưỡng thờ Mẫu có cơ hội phát triển thành những sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.
Tại Khánh Hòa, tín ngưỡng thờ Mẫu có những nét đặc trưng riêng. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa là kết quả của giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt - Chăm, sự trao truyền các giá trị văn hóa, sự cố kết cộng đồng…đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, góp phần phát huy các giá trị văn hóa và tạo nên sự khác biệt trong phát triển văn hóa du lịch ở Khánh Hòa. Trước năm 1653, Khánh Hòa là vùng đất của người Chăm sinh sống. Bên cạnh việc ảnh hưởng từ yếu tố tôn giáo cụ thể là Blamon giáo, người Chăm cũng có tín ngưỡng bản địa của riêng mình. Một trong số đó là tín ngưỡng thờ Mẹ, điều này được thể hiện qua hình tượng Yang Pô Inư Nagar - vị Mẫu Thần mà người Chăm tôn thờ và gọi là Mẹ Xứ sở, trung tâm thờ tự chính là khu đền tháp Ponagar. Năm 1653, khi những người Việt theo bước chân chúa Nguyễn vào vùng đất Khánh Hòa định cư, vốn mang trong mình tâm thức thờ Mẫu, họ đã tiếp biến tín ngưỡng thờ Mẹ Xứ sở của người Chăm trở thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu của người Việt, bằng truyền thuyết về Thiên Y A Na giáng trần ở núi Đại An và thăng thiên tại Tháp Bà Ponagar. Có thể nói trong số các Mẫu Thần được thờ phụng ở Khánh Hòa, thì Thiên Ya A Na được coi là Mẫu Thần chủ đạo, được thờ phổ biến nhất. Thiên Y A Na Thánh Mẫu chính là kết quả của sự tiếp biến giao thoa văn hóa của người Chăm và người Việt. Thánh Mẫu được thờ phụng từ các làng quê đến thành thị ở Khánh Hòa như miếu, am, đình làng, chùa…, nhưng cơ sở thờ tự quan trọng nhất chính là di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar và Am Chúa. Vì thế, mà Khánh Hòa được coi là trung tâm, nơi phát tích của tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na cho cả miền Trung.
Am Chúa - nơi phát tích của Thánh Mẫu Thiên Y A Na
(Am Chúa, Diên Khánh - Ảnh: Thích Nguyễn)
Am Chúa nằm ở lưng chừng núi Đại An hay còn gọi là núi Qua Sơn, có độ cao 80m so với mực nước biển, thuộc thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Am Chúa là di tích lịch sử văn hoá lâu đời, gắn liền với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết đây là nơi Bà giáng trần và trở thành con nuôi của vợ chồng Ông Bà Tiều sống bằng nghề trồng dưa trên núi. Thánh Mẫu Thiên Y A Na - người dạy cho dân chúng cách làm ăn, sinh sống. Am Chúa được xây dựng năm nào không rõ, nhưng trải qua nhiều lần trùng tu, hiện nay nơi đây đã là một nơi thờ phụng trang nghiêm, tôn vinh huyền tích về Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Hàng năm, vào những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), lễ hội Am Chúa được tổ chức, thu hút lượng khách hành hương rất lớn. Với nhiều nghi lễ cổ truyền như múa bóng, hát văn, tế lễ… lễ hội Am Chúa đang bảo tồn nhiều giá trị văn hoá tinh thần mang đậm dấu ấn bản sắc văn hoá của xứ Trầm Hương. Đến với Am Chúa, là dịp để khách thập phương bày tỏ lòng thành kính với Thiên Y Thánh Mẫu, cùng dâng hương, cầu nguyện Bà ban hồng ân cho quốc thái dân an, chúng sinh an bình, gia đình hạnh phúc…
Tháp Bà Ponagar - nơi tiếp biến và giao thoa văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa
(Khách hành hương về dự lễ hội Tháp Bà Ponagar 2022 - Ảnh: Nhân Tâm)
Tháp Bà Ponagar là một trong những quần thể kiến trúc thuộc nền văn hóa Chămpa có quy mô vào loại lớn còn lại ở miền Trung Việt Nam, được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ VIII đến thế kỉ XIII, nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ ở cửa sông Cái thuộc thành phố Nha Trang. Đây là khu đền tháp thờ Nữ thần Mẹ Xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm xưa. Nhưng từ giữa thế kỷ XVII đến nay, đã được Việt hóa và trở thành nơi thờ tự Thiên Y A Na thánh Mẫu và trở thành trung tâm thờ tự quan trọng của người Việt ở Khánh Hòa
Theo truyền thuyết được ghi lại, Thánh Mẫu đã dạy cho người dân cày cấy, kéo sợi dệt vải và đưa ra những nghi lễ… Từ đó ruộng nương được mở rộng, đời sống dân chúng nơi đây ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn áo mặc, thiên nhiên thuận hòa. Vào ngày lành tháng tốt, xuất hiện chim hạc từ trên trời bay xuống, bà cùng 2 con đã lên lưng hạc và bay về trời. Vì nhớ ơn lớn lao của Bà, đem lại ấm no cho dân lành, nhân dân đã tạc tượng và thờ cúng Thiên Y A Na. Hàng năm vào ngày 20-23/3 âm lịch diễn ra lễ hội để thể hiện lòng biết ơn tới Thánh Mẫu, hàng ngàn du khách, bà con nhân dân khắp nơi gồm cả người Việt và người Chăm hành hương về Tháp Bà để cảm tạ ơn Mẫu và cầu xin Mẫu ban cho có sức khỏe, làm ăn được no đủ, tránh mọi tai ương, bệnh tật, họ thành kính và xem Thánh Mẫu như người Mẹ tinh thần giúp con dân mạnh mẽ và có niềm tin để vượt qua những khó khăn, lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Chùa Suối Đổ - Sự dung hợp tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu trong chùa Việt Khánh Hòa
Chùa suối Đổ nằm ở phía Tây dãy núi Hoàng Ngưu, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp với suối reo, thác đổ và màu xanh bạt ngàn của cây lá. Gọi là suối Đổ vì suối bắt nguồn từ trên núi cao, băng qua những triền núi nhấp nhô, những phiến đá hoa cương đủ hình dáng, kích cỡ, nhiều màu sắc… réo rắt chảy xuống dưới, tạo nên những dòng thác và những hồ nước thơ mộng. Tương truyền đây là nơi Thánh Mẫu Thiên Y A Na đến ngồi hóng mát hoặc nghỉ chân lúc vân du. Ở đây có 2 ngôi chùa gọi là: Quan Âm Sơn Tự và Phổ Đà Sơn Tự. Quan Âm Sơn Tự là nơi tập trung đông khách viếng nhất. Chánh điện thờ Phật Quan Âm uy nghi và lộng lẫy, bên trái là miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, bên phải là đền thờ “Ngũ Mẫu” Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Vào ngày Vía, ngôi chùa đón hàng ngàn lượt khách viếng.
(Chùa Suối Đổ, Diên Khánh - Ảnh: Hoàng Quý)
Trong các loại hình du lịch đang phát triển tại Khánh Hòa hiện nay, du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu mà cụ thể là tín ngưỡng thờ Thiên Y A Na là loại hình du lịch khá tiềm năng và nếu khai thác tốt sẽ rất hấp dẫn và thu hút du khách. Đến với các di tích thờ Mẫu hay những lễ hội thờ Mẫu, du khách được tìm hiểu giá trị văn hóa vật thể thông qua nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, về truyền thuyết của Thiên Y A Na trong đời sống văn hóa ở Khánh Hòa, được thưởng thức trình diễn nghệ thuật múa dân gian Chăm như múa quạt, múa lu, kèn Saranai, trống Baranưng, trống Ginăng, hay nghề truyền thống của người Chăm như dệt thổ cẩm, nghề làm gốm... tại Tháp Bà Ponagar. Thông qua đó, du khách cũng bổ sung thêm những kiến thức về tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật xây dựng đền tháp của người Chăm, hay quá trình tiếp biến văn hóa Chămpa - Ấn Độ, Việt - Chăm thông qua tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu.
Hằng Phương