Ngày 07/6/2024, tại danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ (phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế và Viện Nghiên cứu châu Á (thuộc Đại học Aix - Marseille) tổ chức chương trình Tọa đàm và Triển lãm với chủ đề “Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa”.
Tại buổi lễ, các đại biểu đã cắt băng khai mạc trưng bày triển lãm ảnh chủ đề “Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa” giới thiệu 52 hình ảnh về thiên nhiên và con người vùng thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa những năm 1994 - 1999 của Giáo sư Charles Macdonald và 15 hình ảnh di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 31/5/2024.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày triển lãm hình ảnh "Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa".
Các đại biểu tham quan hình ảnh trưng bày triển lãm.
Chương trình tọa đàm “Di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa (miền Trung Việt Nam)” với nội dung về thiên nhiên và con người vùng thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn; di sản văn hóa Raglai trong mối quan hệ với người Chăm và các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Raglai hiện nay. Văn hóa Raglai bản địa đã góp phần vào đời sống văn hóa đa dạng của tỉnh Khánh Hòa. Người Raglai thuộc nhóm ngữ hệ Malayo - Polynesie, có quan hệ nguồn gốc với người Chăm, sinh sống lâu đời ở vùng Nam Trung bộ, nhất là tại miền núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Tại buổi tọa đàm, các tác giả đã trình bày bốn chuyên đề về di sản văn hóa Raglai, gồm:
- “Giới thiệu quá trình và kết quả nghiên cứu văn hóa Raglai”, Giáo sư Charles Macdonald;
- “Di sản văn hóa Raglai trong mối quan hệ với người Chăm và các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên”, NCS.Nguyễn Phước Bảo Đàn, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế;
- “Hướng tiếp cận, nghiên cứu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ và văn minh Pháp ở vùng đất Khánh Hòa”, Philippe Ramirez, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (Đại học Aix-Marseille);
- “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống Raglai hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, Thạc sĩ Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa.
Giáo sư Charles Macdonald chia sẻ thông tin về nghiên cứu văn hóa Raglai tại buổi tọa đàm.
Giáo sư Charles Macdonald là một nhà dân tộc học, nhân học, thành viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, sáng lập viên và Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Aix-en-Provence (1993 - 1999) - Tiền thân của Viện Nghiên cứu Châu Á (thuộc Đại học Aix-Marseille). Tròn 30 năm Giáo sư Charles Macdonald trở lại Khánh Hòa (1994 - 2024). Ông đã chia sẻ muốn về lại vùng đất Khánh Sơn, thăm lại đồng bào Raglai và ngày 6/6/2024 được trở lại thăm Khánh Sơn đã gợi nhớ trong ông một chặng đường nghiên cứu dân tộc học đầy ấn tượng ở miền Trung Việt Nam.
Từ những năm 1994 - 1999, Giáo sư Charles Macdonald nghiên cứu thực địa vùng đồng bào Raglai ở Khánh Hòa, trong mối liên hệ với người Chăm và các cộng đồng tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên. Những kết quả và ký ức đó, một phần nào được giới thiệu trong không gian trưng bày hình ảnh giới thiệu di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa, thể hiện qua các khía cạnh: Môi trường sống; nhà cửa; đời sống kinh tế; đời sống văn hóa, tín ngưỡng phong tục tập quán; một số nội dung khác. Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu các hình ảnh về di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo. Đây là địa chỉ lưu dấu những giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất Khánh Sơn, đặc biệt là niềm tự hào được coi là quê hương của đàn đá. Việc phát hiện đàn đá Khánh Sơn và công bố năm 1979 là phát hiện quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật. Núi Dốc Gạo nơi từng là xưởng chế tác đàn đá và là quê hương của bảo vật quốc gia Sưu tập đàn đá Khánh Sơn. Với những giá trị lịch sử - văn hóa, ngày 31/5/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 1463/QĐ-UBND xếp hạng di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo là di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Sưu tập đàn đá Khánh Sơn vừa được công nhận bảo vật quốc gia vào tháng 01 năm 2024 đã trở thành niềm tự hào của người dân Khánh Sơn.
Lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tặng hoa cảm ơn các nhà nghiên cứu của Cộng hòa Pháp.
Chương trình Tọa đàm và Triển lãm “Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa” nhằm giới thiệu về di sản văn hóa Raglai, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống Raglai hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và lan tỏa tình yêu trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm và trưng bày triển lãm hình ảnh "Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa".
Tin bài: Khánh HàẢnh: Bá Trung Toản