Hotline: (0258) 3813 758

CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH - DANH THẮNG HÒN CHỒNG - HÒN ĐỎ

30/05/2024 00:00        
Đọc tin

(TG)-Danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo có nhiều giá trị của vùng biển Nam Trung Bộ và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích - danh thắng quốc gia vào ngày 15/10/1998. Danh thắng có vị trí địa lý thuận lợi, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về phía bắc. Cùng với sự đa dạng của quần thể thực vật và nước biển luôn trong sạch, là môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài sinh vật biển; cảnh quan thiên nhiên trong lành, phong cảnh nên thơ, hữu tình, nơi đây là điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước khi đến thành phố biển Nha Trang.

Danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ là bãi đá cổ hình thành hoàn toàn tự nhiên.

DANH LAM THẮNG CẢNH HÒN CHỒNG – HÒN ĐỎ

Theo các nhà nghiên cứu địa chất, phần đất của tỉnh Khánh Hòa ngày nay thuộc rìa phía Đông Nam của khối nền cổ Kon Tum, nổi lên khỏi mặt biển từ đại Cổ sinh, cách đây khoảng 570 triệu năm. Tỉnh Khánh Hòa nằm ở đoạn cuối của gờ núi nam Trường Sơn, nên cấu trúc địa hình của tỉnh chủ yếu là dạng địa hình miền núi, bán sơn địa. Núi bao bọc ba phía tạo thành một vòng cung lớn, lồi về phía Tây, lõm về phía Đông đã tạo nên Khánh Hòa những vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh.

Nhắn ai viếng cảnh Nha Trang,
Muốn tìm dấu cũ thì sang Tháp Bà.
Muốn trông trời biển bao la,
Con thuyền nho nhỏ bơi ra Hòn Chồng.

Di tích - danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ nằm ở phía bắc thành phố Nha Trang, có tổng diện tích là 29.174,7m2; trong đó diện tích măt nước là 18.198,8m2. Do kiến tạo của tự nhiên, ở danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ có những hình tượng kỳ thú và những bãi biển tự nhiên đẹp và kín gió. Tạo hóa khéo sắp đặt bãi đá lô nhô ở Hòn Chồng thành những hình tượng kỳ thú như “Cổng trời”, “Cánh tay bám đá”, “Nụ hôn của biển”, “Tiên ông” … Đặc biệt, trên khối đá lớn nhất nằm ở mỏm cao nhất hướng ra biển Đông có hình dạng một bàn tay khổng lồ và đã hình thành nên những truyền thuyết dân gian lôi cuốn, hấp dẫn và đậm chất nhân văn.

Cách Hòn Chồng khoảng 100m về phía nam là Hòn Vợ, với những khối đá nhấp nhô, nằm sát vào đất liền. Trong đó, có một khối đá dựng đứng hình tương đối vuông, có chiều cao khoảng hơn 3m, có hai phần rõ rệt, phần dưới to và dài hơn, nhìn kỹ có hình dáng giống thân người, phần trên nhỏ và có một vết nứt xung quanh, tạo nên hình thù đầu người đặt lên thân. Trông từ xa Hòn Vợ như hình ảnh người vợ thủy chung ôm con ngồi hóa đá mòn mỏi chờ chồng ra khơi chưa trở về. Cũng có người hình dung đó là cảnh âu yếm của người vợ thủy chung. Từ Hòn Vợ nhìn sang Hòn Chồng trông giống như chú gà con mới nở mũm mĩm đang nằm nghỉ, đầu hướng về đất liền.

Cách Hòn Chồng khoảng 300m về phía đông nam là Hòn Đỏ, được cấu tạo bởi những phiến đá lớn, phẳng xếp chồng chất kéo xuống đến mặt nước. Tên gọi Hòn Đỏ là do kiến tạo địa chất, bắt nguồn từ hiện tượng có những phiến đá ánh lên sắc đỏ mỗi khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi xuống đây và trông giống như một đóa hoa khổng lồ đang nổi giữa biển. Trên Hòn đảo nhỏ vẫn còn lưu giữ những cảnh sắc thiên nhiên còn nguyên sơ, thơ mộng. Đó là những sắc đỏ của những cảnh hoa ti gôn, sắc trắng của hoa sứ bên những vách đá lớn. Mặt phía đông của Hòn Đỏ là những khối đá lớn bằng phẳng, du khách có thể nghỉ ngơi ngắm cảnh trong lành của vịnh biển Nha Trang. Trong tương lai đây sẽ là điểm đến hấp dẫn quý khách khi đến Nha Trang, được dạo chơi trên hòn đảo nhỏ chỉ cách đất liền vài trăm mét.

Đứng ở Hòn Chồng - Hòn Đỏ ngắm núi Cô Tiên nằm ở phía bắc, lúc hoàng hôn và khi chiều tà ánh nắng vàng rực ôm lấy ngọn núi Cô Tiên càng thêm phần rực rỡ. Đó là hình ảnh cô gái trẻ tràn đầy sức sống đang nằm bên vịnh Nha Trang. Bãi tắm phía bắc Hòn Chồng là một bãi cát dài thoai thoải, du khách có thể đến đây tắm biển, nô đùa với dòng nước trong xanh, và nghỉ ngơi ngắm biển trên nền cát trắng mịn. Đảo cánh Buồn, nằm ở phía đông Hòn Chồng là một hòn đảo nhỏ nhất nhô nửa chìm nửa nổi dân gian thường gọi là Hòn Cánh Buồn. Xa xa phía trước Hòn Chồng là Hòn Rùa và đảo Yến như tiền tiêu và điểm nhấn cho du khách ngắm vịnh Nha Trang. Chếch về phía đông nam là đảo Hòn Tre như bức tường giữ cho vịnh Nha Trang luôn lặng sóng êm đềm.

NHIỀU HOẠT ĐỘNG BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH – DANH THẮNG HÒN CHỒNG – HÒN ĐỎ

Danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa quản lý và khai thác hoạt động du lịch từ năm 1998 đến nay. Thực hiện Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 22/12/2023 về phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 2989/KH-UBND, ngày 05/4/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Bảo tồn di tích đã triển khai thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích nói chung và tại danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ nói riêng, được thể hiện qua một số hoạt động như sau:

Tổ chức trưng bày: Tại Hòn Chồng, từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”; Trưng bày hình ảnh “Di tích - danh thắng Khánh Hòa” hưởng ứng hoạt đọngp Festival Biển Nha Trang … Ngoài ra, trong các kỳ cuộc tổ chức Hội thi “Tìm hiểu di sản văn hóa” tại các huyện (thị xã, thành phố), Trung tâm thường tổ chức treo cờ phướn di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận và di sản văn hóa Khánh Hòa (trong đó có hình ảnh và nội dung giới thiệu về Hòn Chồng - Hòn Đỏ). Phối hợp với Trường THPT Lý Tự Trọng trưng bày hình ảnh “Biển đảo quê hương” nhân dịp Hội trại kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/2015…

Tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật: Tại danh thắng Hòn Chồng có bộ phận biểu diễn nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là các nhạc phẩm tiêu biểu nổi tiếng trong nước và của các nước Nga, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc... khi du khách các nước đó đến tham quan. Trong đó, tiêu biểu là đàn đá Khánh Sơn, loại nhạc cụ cổ xưa được phát hiện đầu tiên ở Khánh Hòa. Tại danh thắng thường xuyên đón tiếp, hướng dẫn các đoàn đại biểu quốc tế, các đoàn khách ngoại giao đến tham quan và giao lưu như: Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 -2023)… Ngoài ra còn có các hoạt động như viết thư pháp, triển lãm gốm mỹ thuật, làm tranh cát, giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ và sản vật từ trầm hương, yến sào Khánh Hòa, …

Tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục thông qua trải nghiệmTừ năm 2022, tăng cường quan tâm giáo dục thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục địa phương, Trung tâm đã thực hiện kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm “Tìm hiểu di sản văn hóa tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ” cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, Trung tâm đã đón hơn 30 trường với hơn 1.600 học sinh và giáo viên đến tham quan, trải nghiệm; năm 2023, Trung tâm tổ chức hoạt động trải nghiệm cho 16 trường với 900 học sinh tham gia; hơn 4 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức được 07 trường với gần 450 học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại di tích đáp ứng nhu cầu của ngành Giáo dục - Đào tạo về giáo dục địa phương.

Tổ chức tuyên truyền thông qua hội thi “Tìm hiểu di sản văn hóa” cho các tầng lớp Nhân dân: Trung tâm Bảo tồn di tích là đơn vị đi đầu trong cả nước trong công tác tuyên truyền và phát huy giá trị di tích thông qua hoạt động tổ chức thi “Tìm hiểu Di sản văn hóa” cho các tầng lớp Nhân dân như học sinh, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, Ban Quản lý di tích, công chức và trong viên chức, người lao động của đơn vị từ đầu năm 2008 đến nay. Từ năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao giao cho Trung tâm đẩy mạnh hoạt động thành Hội thi “Tìm hiểu Di sản văn hóa” cấp tỉnh cho khối THCS toàn tỉnh. Riêng khối THPT cũng được Trung tâm tổ chức riêng cho các trường như: Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Văn Thụ (Nha Trang), Nguyễn Trãi (Ninh Hòa), Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh) với nội dung tuyên truyền và câu hỏi sát với chương trình di sản văn hóa của sách giáo khoa giáo dục địa phương.

Trong đó, các nội dung thi về câu hỏi trắc nghiệm, phần thi hình ảnh, phần thi “Tập làm hướng dẫn viên du lịch” và câu hỏi khán giả đều có câu hỏi về danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ... Mặt khác, Trung tâm đã tổ chức nói chuyện chuyên đề “Bảo tồn di sản văn hóa” cho học sinh Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh)… đã góp phần lan tỏa ý thức chấp hành pháp luật và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ di sản văn hóa. Do đó, các hoạt động thực sự là giờ học ngoại khóa, sân chơi bổ ích cho các em học sinh, khích lệ sự tự giác tìm hiểu di sản văn hóa ở thế hệ trẻ. Đây cũng là cơ hội để định hướng nghề nghiệp cho những em yêu thích lịch sử, di sản văn hóa và du lịch. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức tập huấn cho hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa, là những giáo viên dạy lịch sử ở các trường ĐH và THPT trong tỉnh góp phần bồi dưỡng kiến thức về di sản văn hóa cho giáo viên.

Hoạt động số hóa di sản văn hóa: Từ năm 2010, Trung tâm lập trang thông tin điện tử ditichkhanhhoa.org.vn để tuyên tuyên truyền di sản văn hóa Khánh Hòa và cung cấp thông tin tài liệu tham khảo cho Hội thi “Tìm hiểu di sản văn hóa” của Khánh Hòa. Năm 2022, Trung tâm đã tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu di sản văn hóa” trên trang thông tin điện tử của Trung tâm và sau 01 tháng triển khai, Ban tổ chức đã nhận được gần 4.000 bài dự thi và đã trao 04 giải nhất, 08 giải nhì các em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Nội dung câu hỏi thi đã góp phần tuyên truyền về lịch sử văn hóa của Khánh Hòa nói chung và danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ nói riêng. Năm 2023, Trung tâm thực hiện gắn mã QR - Guide bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh cho toàn bộ 16 di tích di tích quốc gia trên trang thông tin điện tử của Trung tâm và gắn mã QR-code tại 13 di tích để phục Nhân dân truy cập thông tin. Thực hiện số hóa bản đồ 196 di tích đã xếp hạng toàn tỉnh tích hợp lên trang thông tin điện tử bando.ditichkhanhhoa.org.vn; xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dựng trên các nền tảng số hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, tư liệu về di tích cấp tỉnh, di tích quốc gia; các di sản văn hoá phi vật thể trong Danh mục kiểm kê trên phần mềm http://qlhsdtkh.org.vn. Do đó, thông tin tư liệu về 16 di tích quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh, 3 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đã được số hóa để phục vụ công tác lưu trữ, tham mưu, nghiên cứu và báo cáo của đơn vị.

Xuất bản ấn phẩm: Là hoạt động định kỳ hàng năm của Trung tâm nhằm thực hiện tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa Khánh Hòa, trong đó một số ấn phẩm có giới thiệu về danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ như: Di tích - danh thắng tiêu biểu của Khánh Hòa (2011), Di tích và danh thắng Khánh Hòa - Một góc nhìn văn hóa (2018), Khánh Hòa - Những sắc màu văn hóa (2023)... Các ấn phẩm được tặng cho Thư viện tỉnh, thư viện các trường học, hội viên Hội khoa học Lịch sử tỉnh ;à các giáo viên bộ môn lịch sử tại các trường ĐH và THPT trong tỉnh và các nhà nghiên cứu quan tâm đến di sản văn hóa Khánh Hòa.

Ngoài ra, Trung tâm cung cấp thông tin và tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông của trung ương và địa phương như: Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa (KTV), Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Văn hóa, Thanh niên, Tuổi trẻ,... thực hiện các chương trình phóng sự chuyên đề, quảng bá di sản văn hóa Khánh Hòa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp Đài KTV thực hiện các phóng sự chuyên đề như: Những chuyến đi thú vị: Vẻ đẹp những di tích” giới thiệu về các di tích quốc gia ở Khánh Hòa; Kênh VTV8 Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện phóng sự chuyên đề Con đường di sản” ... tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa Khánh Hòa đến khán giả trong nước và quốc tế.

Công tác bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ cảnh quan môi trường đã được Trung tâm Bảo tồn di tích quan tâm đầu tư, tôn tạo cảnh quan môi trường và sửa chữa nhà Hội quán để phục vụ khách tham quan. Các hoạt động triển khai với số tiền hơn 6,5 tỉ đồng, như: trồng cỏ và hàng cây dương trên các triền đồi (2007 - 2009), làm nhà chờ bằng mái lá cho khách ngồi nghỉ chân (2013), làm công viên và làm thêm nhà vệ sinh vách ngăn (2019), làm tiểu cảnh (2019 - 2021), lợp lại ngói nhà rường (2022), lợp lại mái nhà chờ cho khách (2023)...

Có thể nói rằng, các di sản văn hóa đã đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa không phải là điều đơn giản. Trong những năm qua, công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân quan tâm và việc tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục những giá trị lịch sử - văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương là nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa ưu tiên hàng đầu.

Danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền và Nhân dân địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với đặc thù là một trong những điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Nha Trang, 4 tháng đầu năm 2024 danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ đón hơn 300.000 lượt khách du lịch tham quan; riêng học sinh, sinh viên, người dân địa phương Khánh Hòa không thu phí, nên việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa càng được quan tâm coi trọng. Đây được xem như bộ mặt của ngành Văn hóa Khánh Hòa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở địa phương.

Thu hút và phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tại di tích, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tái đầu tư phát triển các hoạt động tại di tích và nâng cao đời sống cho người lao động góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương đang là mục tiêu được quan tâm đầu tư ở Khánh Hòa. 

 NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH – DANH THẮNG HÒN CHỒNG – HÒN ĐỎ

Có thể nói, tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa, đặc biệt là với danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ trở thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh thông qua các sản phẩm du lịch sử dụng công nghệ; quảng bá giá trị di tích hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích là mong muốn của ngành Văn hóa Khánh Hòa nói riêng và của tỉnh Khánh Hòa nói chung. Trung tâm Bảo tồn di tích cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, thuyết minh viên; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giới thiệu, tìm hiểu về di tích.

Thực hiện Nghị quyết số 34/NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2024 - 2025, Trung tâm Bảo tồn di tích thực hiện tôn tạo cảnh quan tại danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ gồm trồng cây xanh và thực hiện tiểu cảnh triền đồi phía nam Hòn Chồng với tổng kinh phí 3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trích 35% phí tham quan di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ cho công tác tu bổ tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Từ kinh nghiệm của các di tích Văn miếu Quốc Tử Giám, Hỏa Lò... Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa cần thực hiện chương trình nghệ thuật gắn với những truyền thuyết dân gian và sự hình thành danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ thành những câu chuyện như "Nơi tình yêu bắt đầu", "Nha Trang - Viên ngọc xanh" ... Ứng dụng các công nghệ 4.0 hiện đại và 3D Mapping tạo điểm nhấn đặc sắc, mới lạ, khác biệt theo hướng công nghiệp văn hóa; tạo ra hệ sinh thái thúc đẩy phát triển kinh tế đêm cho thành phố Nha Trang để tại danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ có dịch vụ tour đêm phục vụ khách tham quan. sẽ mang lại trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Nha Trang và tham quan Hòn Chồng về đêm.

Để khai thác, phát huy giá trị di tích cần thực hiện quy hoạch tổng thể, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của danh thắng phải được quan tâm đúng mức, nhất là quy hoạch chung cũng như các công trình phụ trợ như bãi đỗ xe cần sớm được triển khai, xây dựng và mở rộng đường giao thông để tạo hành lang an toàn giao thông do đường lên đồi La San quanh co và dốc, vỉa hè hẹp. Cần quan tâm xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cho danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ trong thời gian tới một cách bài bản hơn.

Nguyễn Thị Thúy
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa

Theo Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương

Xem thông tin bài viết gốc: Tại đây

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH TỔ CHỨC DÂNG HƯƠNG VÀ TẶNG QUÀ TẠI CÁC HẦM BÍ MẬT, DI TÍCH LỊCH SỬ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Sáng ngày 25/6/2024 Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa tổ chức dâng hương và trao quà tại các hầm bí mật và di tích lịch sử, gồm: Nhà bà Nguyễn Thị Mực (thị xã Ninh Hòa), Nhà bà Nguyễn Thị Sang, Nhà ông Trần Châu (huyện Vạn Ninh), Nhà bà Nguyễn Thị Ngâm (thành phố Nha Trang), Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) (thị xã Ninh Hòa), Căn cứ địa cách mạng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn)… nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024)
HỘI NGHỊ SƠ KẾT PHONG TRÀO THI ĐUA, CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024 KHỐI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Sáng ngày 16/7/2024, Khối thi đua các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào thi đua, công tác khen thưởng 6 tháng đầu năm 2024.
CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM VÀ TRIỂN LÃM “TRỞ VỀ VỚI DI SẢN VĂN HÓA RAGLAI Ở KHÁNH HÒA”
Ngày 07/6/2024, tại danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ (phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế và Viện Nghiên cứu châu Á (thuộc Đại học Aix - Marseille) tổ chức chương trình Tọa đàm và Triển lãm với chủ đề “Trở về với di sản văn hóa Raglai ở Khánh Hòa”.
HOẠT ĐỘNG NHÂN DỊP QUỐC TẾ THIẾU NHI TẠI CHÙA KIM SƠN
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Quốc tế Thiếu nhi, chiều ngày 01/6/2024, Chi đoàn Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức thăm, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại lớp học tình thương tại chùa Kim Sơn, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang.
TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH KHÁNH HÒA TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH CHÀO MỪNG NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 01/6 CHO CON CỦA VC&NLĐ
Được sự quan tâm của Ban lãnh đạo Trung tâm, ngày 31/5/2024, tại di tích Tháp Bà Ponagar, BCH Công đoàn đã phối hợp với Đoàn thanh niên Trung tâm tổ chức chương trình Chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 cho hơn 100 cháu thiếu nhi là con em của VC&NLĐ Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH VĂN MIẾU DIÊN KHÁNH: PHÁT THƯỞNG CHO HỌC SINH HIẾU HẠNH, HỌC GIỎI
Ngày 25-5, tại khu di tích quốc gia Văn miếu Diên Khánh (huyện Diên Khánh), Ban quản lý di tích Văn miếu Diên Khánh tổ chức lễ thánh húy Đức Khổng Tử lần thứ 2503 và phát thưởng cho học sinh hiếu hạnh, học giỏi trong năm học 2023 - 2024.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN THÁP BÀ PONAGAR GẮN VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững”. Tại đây, các nhà khoa học, nhà quản lý đã nêu bật được giá trị văn hóa đặc biệt của di tích này và giải pháp nhằm tiếp tục khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar trong phát triển du lịch.
KHAI MẠC LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR NĂM 2024
Sáng 29/4 (nhằm 21/3 Âm lịch), tại Khu Di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024. Dự lễ khai mạc có đồng chí Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cùng đông đảo người dân, khách hành hương và du khách trong và ngoài nước.
PHÁT HUY TIỀM NĂNG, GIÁ TRỊ DI SẢN THÁP BÀ PONAGAR VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
Ngày 27-4, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo “Phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa Tháp Bà Ponagar với phát triển du lịch bền vững”. Tham dự và chủ trì hội thảo, có ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; cùng hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn nghệ nhân dân gian.
LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR NĂM 2024: DIỄN RA TỪ NGÀY 28.4 VỚI NHIỀU HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA ĐẶC SẮC
Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: Lễ thay y Mẫu; lễ thả hoa đăng trên sông Cái; nghi thức rước kiệu từ Tháp Bà đi qua các tuyến đường trong khu dân cư; lễ cầu quốc thái dân an; lễ cúng Ngọ; lễ dâng hương Mẫu; lễ tế cổ truyền; lễ khai diên và lễ tôn vương.