Hotline: (0258) 3813 758

DẤU ẤN CÁCH MẠNG DƯỚI MÁI TRƯỜNG XƯA

10/09/2023 00:00        
Đọc tin

Vào những năm đầu thế kỷ XX, Trường Tiểu học Pháp - Việt ở Nha Trang và Ninh Hòa đã trở thành cơ sở để các thầy giáo - nhà cách mạng Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn truyền bá tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lênin, dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cơ sở đảng trên đất Khánh Hòa. Đến nay, những ngôi trường có lịch sử trăm năm ấy không chỉ đi vào sử sách mà còn trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Từ di tích lịch sử Trường Pháp - Việt Ninh Hòa... 
Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa nay là Nhà truyền thống và Trung tâm Chính trị thị xã Ninh Hòa. Ra đời năm 1922, Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa là một trong những cái nôi cách mạng của tỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Lương - cán bộ phụ trách Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa, khi thầy giáo Hà Huy Tập về dạy học ở Nha Trang, giai đoạn 1925 - 1926, thầy giáo Ngô Đức Diễn cũng về dạy học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa và truyền bá tư tưởng cách mạng ở đây. Những người chịu ảnh hưởng của thầy giáo Ngô Đức Diễn là trợ giáo Dương Chước và đồng chí Lê Dung - những người lãnh đạo cuộc biểu tình chiếm phủ đường Tân Định ngày 16-7-1930. Hơn 100 năm đã qua kể từ khi xây dựng, Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa vẫn giữ được kiến trúc xưa. Tấm bia đá có ghi tên những người đã đóng góp xây dựng trường vẫn được lưu giữ tại đây. Năm 2013, Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, ngôi nhà chính của trường được dùng để làm Nhà truyền thống cách mạng thị xã Ninh Hòa. Ở đó, thế hệ trẻ hôm nay có thể nhìn thấy những hạt giống cách mạng mà các thầy giáo Ngô Đức Diễn, Dương Chước gieo trồng đã phát triển trưởng thành như nội dung của bia di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã viết: “Nơi đây vào những năm 1925 - 1926, hai thầy giáo Ngô Đức Diễn và Dương Chước (đảng viên Đảng Tân Việt, tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam) đã dạy học và tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho giáo viên và học sinh; một số người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương”.

Di tích lịch sử Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa (nay là Nhà truyền thống thị xã Ninh Hòa). 

Bên trong Nhà truyền thống là một dòng chảy lịch sử cách mạng được tiếp nối ở ngay trên mảnh đất này. Ông Nguyễn Văn Lương giới thiệu với chúng tôi chân dung đồng chí Lê Dung - Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời phụ trách Đảng bộ huyện Tân Định ngay khi Đảng bộ được công nhận thành lập ngày 24-2-1930 và ngôi nhà của đồng chí (nay nằm trên đường Trần Quý Cáp, gần cầu Dinh) từng là nơi diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 ở phủ Tân Định. Ngày này đã được Tỉnh ủy chọn là ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Dòng chảy lịch sử cách mạng tiếp nối với khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Ninh Hòa, các chiến khu cách mạng Đá Bàn, Hòn Hèo…, những anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân người Ninh Hòa, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của vùng đất này.

Ông Nguyễn Văn Lương giới thiệu về lịch sử cách mạng của Ninh Hòa với dấu ấn đậm nét của Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa. 

Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa xưa nay trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho cán bộ, nhân dân Ninh Hòa. Trong chương trình bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên, quần chúng ưu tú, Trung tâm Chính trị thị xã Ninh Hòa luôn tổ chức cho học viên tham quan Nhà truyền thống thị xã, tìm hiểu về di tích lịch sử Trường Tiểu học Pháp - Việt Ninh Hòa gắn với quá trình ra đời của các tổ chức Đảng cộng sản trên đất Khánh Hòa.

Đến dấu ấn của thầy giáo - nhà cách mạng Hà Huy Tập

Cô giáo Lê Thị Hằng giới thiệu với học sinh về những dòng chữ khắc ghi dấu ấn của nhà cách mạng Hà Huy Tập
tại Trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang (tiền thân của Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi). 

Rời Ninh Hòa, chúng tôi về lại Nha Trang ghé thăm Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, tiền thân là Trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang (ra đời khoảng năm 1920). Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, thầy giáo Hà Huy Tập (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương) đã dạy học ở ngôi trường này trong giai đoạn 1925 - 1926. Trong những năm tháng đó, bên cạnh công tác giảng dạy, thầy đã truyền bá tư tưởng yêu nước, tư tưởng cách mạng cho một số trí thức, công nhân ở Nha Trang. Ở Nha Trang, ông tổ chức 3 lớp học cho khoảng 150 công nhân theo học. Mục đích bên ngoài là xóa nạn mù chữ nhưng mục đích thật là tập hợp công nhân lại để dễ dàng cho việc tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng. Những cơ sở đầu tiên mà ông gây dựng được là ông Bùi Giao - nhân viên Sở Lục lộ và ông Nguyễn Khắc Tài - nhân viên Sở Hỏa xa…
Theo chân thầy Huỳnh Vĩnh Khang - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, tôi đến thăm phòng truyền thống của trường. Đó là một căn phòng nhỏ nhưng được bày biện rất khoa học. Ngay bên cửa vào là hình ảnh ngôi trường tiểu học Pháp Việt xưa đã nhuốm màu thời gian, chân dung thầy giáo - nhà cách mạng Hà Huy Tập, hình ảnh thầy giáo Hà Huy Tập ở Nha Trang… Khi chúng tôi đến, cô giáo Lê Thị Hằng đang giới thiệu với học sinh lớp 10 vừa nhập học về truyền thống của trường. “Khoảng năm 1925 - 1926, thầy giáo Hà Huy Tập đã dạy học ở ngôi trường này và truyền bá tư tưởng yêu nước, tư tưởng cách mạng cho một số trí thức, công nhân ở Nha Trang... Những hạt giống cách mạng mà thầy Hà Huy Tập “gieo trồng” đã tiếp tục nảy nở trên đất Khánh Hòa”, cô Hằng say sưa giới thiệu và tiếp tục theo dòng lịch sử với tấm bảng ghi công những cán bộ của trường đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; danh sách các liệt sĩ từng là học sinh của trường đã lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam Tổ quốc. Câu chuyện còn nối dài thêm với bảng thành tích mà các thế hệ thầy và trò đã nỗ lực đạt được trong suốt bao năm qua, nổi bật nhất là Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng năm 2022. Nghe chuyện, trên gương mặt của các học sinh lộ rõ niềm xúc động và cả sự tự hào khi biết ngôi trường mình học lại có bề dày lịch sử đến vậy.

Những dòng chữ ghi lại dấu tích hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập được khắc ghi tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi.

Năm tháng đi qua, dấu tích Trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang năm xưa gần như không còn gì nhưng niềm tự hào về một cơ sở cách mạng vẫn luôn được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ thầy và trò Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Nối tiếp tinh thần vượt khó của thế hệ cha anh đi trước, những năm qua, dù cơ sở vật chất còn có phần hạn chế, nhưng tập thể thầy và trò của trường luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học. Gần nhất, năm học 2022 - 2023, trường có 22 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh; kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt 100%, 17 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển từ 27 điểm trở lên, hơn 98% học sinh trúng tuyển vào đại học đợt 1. Bên cạnh việc dạy và học, trường luôn quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. "Trải qua biến thiên lịch sử, dấu tích của Trường Tiểu học Pháp - Việt Nha Trang ngày xưa không còn giữ được. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở nhau phải truyền dạy để học sinh hôm nay biết đến những trang sử vàng về thầy giáo - nhà cách mạng Hà Huy Tập, cũng như tinh thần cách mạng của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi mà trường vinh dự được mang tên. Và đó cũng là động lực để các em nỗ lực học tập, mai này có thể góp sức xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”, thầy giáo Huỳnh Vĩnh Khang bày tỏ. 


Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh, những năm 1925 - 1926, hai thầy giáo Hà Huy Tập và Ngô Đức Diễn (cùng quê Hà Tĩnh) được cử vào dạy học ở Khánh Hòa. Thầy Tập, thầy Diễn là những trí thức yêu nước tham gia Hội Phục Việt (thành lập tháng 7-1925), sau đổi thành Tân Việt cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt). Ngoài việc dạy ở trường, thầy Tập và thầy Diễn còn truyền bá tư tưởng cách mạng, dẫn đến sự phát triển của các cơ sở Đảng Tân Việt ở Nha Trang và Ninh Hòa. Sau này, trong quá trình phát triển, Đảng Tân Việt cải tổ, chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 24-2-1930, đồng chí Ngô Gia Tự, đại diện Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam ký quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày này cũng được lấy làm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.

Theo Báo Khánh Hòa

Xem thông tin gốc bài viết: Tại đây

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
TRẢI NGHIỆM SẮC MÀU VĂN HÓA MỚI TẠI THÁP BÀ PONAGAR
Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, tối 4-8 (mùng 1-7 âm lịch), tại di tích Tháp Bà Ponagar, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh sẽ chính thức ra mắt chương trình tham quan, trải nghiệm dưới hình thức sân khấu hóa bán thực cảnh mang tên “Linh thiêng xứ Trầm”. Cùng với đó, chương trình “Trăng soi dáng tháp” sẽ được diễn ra vào tối 15 âm lịch hàng tháng, hứa hẹn mang đến những màu sắc văn hóa và trải nghiệm mới dành cho du khách muốn tìm hiểu, khám phá di tích Tháp Bà Ponagar về đêm.
CHƯƠNG TRÌNH THAM QUAN ĐẶC BIỆT "TRĂNG SOI DÁNG THÁP" TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR
Nhằm cụ thể hóa, triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm đã được UBND tỉnh ban hành, tối 27-12 (nhằm ngày 15-11 Âm lịch), tại khu di tích cấp quốc gia Tháp Bà Ponagar, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa tổ chức chương trình tham quan đặc biệt với chủ đề “Trăng soi dáng tháp”. Đến dự có ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện hiệp hội, doanh nghiệp du lịch; cùng đông đảo người dân, du khách.
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN - BIỂU TƯỢNG SÁNG NGỜI CỦA CHỦ NGHĨA ANH HÙNG CÁCH MẠNG
I. SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN 1.  Sự ra đời Đường Hồ Chí Minh trên biển Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực và đề ra chủ trương, nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.
THÁP BÀ PONAGAR QUA MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN
Hình thành từ khoảng thế kỷ VIII-XIII, di tích Tháp Bà Ponagar đã được thể hiện trong nhiều tài liệu quý. Trong Mộc bản triều Nguyễn, câu chuyện về Tháp Bà Ponagar được khắc lại một cách chi tiết, cụ thể. Theo bà Cao Thị Quang - công tác tại Phòng Tài liệu Mộc bản (thuộc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - TP. Đà Lạt), hiện tại, đơn vị đang lưu giữ khối tài liệu quý hiếm Mộc bản triều Nguyễn. Trong bản khắc của sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt 18 có ghi chép truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar.
THÁP BÀ PONAGAR: NƠI DUY NHẤT ĐƯA MÚA CHĂM RA THẾ GIỚI
Không ít du khách nước ngoài, đã xuýt xoa, trầm trồ ngợi khen trước các vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng của các thiếu nữ Chăm dưới chân tháp bà Ponagar Nha Trang.