Thời gian gần đây, ngành Văn hóa đã để lại dấu ấn khá tích cực trong các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, cũng như tổ chức thành công nhiều lễ hội truyền thống.
Ngay từ đầu năm, Sở Văn hóa và Thể thao đã chủ động tham mưu, phối hợp với các sở, ngành, địa phương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định về tổ chức lễ hội. Các đơn vị trong ngành cũng chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện việc quản lý, tổ chức lễ hội. Trong đó, chú trọng đến vấn đề đảm bảo các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra đúng quy định về nếp sống văn minh, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình… Từ các các lễ hội lớn như: Giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Am Chúa, lễ hội Cầu ngư đến các lễ hội cúng lăng, cúng đình ở các làng đều được tổ chức bài bản, qua đó đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần của nhân dân với phần lễ được tổ chức trang nghiêm, phần hội có nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. “Từ nhiều năm nay, việc tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh đã đi vào khuôn khổ. Dù các lễ hội ở quy mô lớn, nhỏ khác nhau, nhưng đều diễn ra thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.
Các đơn vị chuyên môn cũng tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Trong những tháng qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện việc sưu tầm tư liệu với 130 hiện vật. Nhân viên của đơn vị cũng thực hiện việc chỉnh lý, viết hồ sơ nhập kho cho hơn 500 hiện vật”. Bên cạnh các hoạt động chuyên môn thường xuyên, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp tổ chức triển lãm tại chỗ và triển lãm lưu động được 5 cuộc. Những triển lãm chuyên đề như: Dấu ấn thời gian; Cổ ngoạn và sinh vật cảnh; Hương vị mùa xuân; Nét đẹp xứ Trầm Hương… đã giới thiệu đến đông đảo người dân, du khách những tư liệu, hiện vật, hình ảnh giá trị về văn hóa Khánh Hòa. Ngoài ra, việc duy trì phiên chợ đồ xưa, đồ cũ hay tổ chức các hoạt động trong dịp Festival Biển 2019 cũng nhận được sự đánh giá cao của công chúng. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh đã thực hiện việc xây dựng 1 hồ sơ di tích cấp tỉnh, tiếp tục bổ sung 10 hồ sơ di tích cấp tỉnh, xây dựng và sửa chữa 4 bia di tích cấp tỉnh. Hiện nay, trung tâm đang triển khai kế hoạch tổ chức hội thi tuyên truyền di sản văn hóa cấp huyện và cấp tỉnh; thực hiện 1 ấn phẩm tuyên truyền về di tích, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Hoạt động phục vụ tham quan, nhu cầu tín ngưỡng đã đón hơn 2 triệu lượt người dân và du khách.
Công tác tham mưu các văn bản, đề án cũng được triển khai tích cực. Phòng Quản lý Di sản văn hóa đã cùng với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tham mưu lập đề án Bảo tàng tỉnh; Đề án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Diên Khánh; triển khai Đề án sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa điển hình của 3 dân tộc Raglai, Ê Đê, T’rin theo đúng tiến độ đề ra. Việc tuyên truyền không đốt vàng mã tại các điểm di tích; hướng dẫn hỗ trợ tu bổ di tích cho các địa phương cũng được thực hiện, đem đến kết quả tích cực. Dự án xây dựng Đền thờ danh nhân Trần Đường đã được thực hiện và chuẩn bị khánh thành.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian tới, ngành Văn hóa tiếp tục triển khai có hiệu quả những kế hoạch đã đề ra. Trước hết, các đơn vị phải triển khai thực hiện tốt các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi dân gian Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; Đề án sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của 3 dân tộc Raglai, Ê Đê, T’rin. Ngoài ra, triển khai kế hoạch sửa chữa, tu bổ di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội, trùng tu, tôn tạo di tích đã được xếp hạng…
Nguồn Khánh Hòa Online