Hotline: (0258) 3813 758

ĐÌNH PHONG THẠNH

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Đình Phong Thạnh tọa lạc tại thôn Phong Thạnh, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Từ trung tâm thành phố Nha Trang theo quốc lộ 1A, đi về phía Bắc khoảng 25km tới chợ Ninh Lộc, rẽ trái đi theo đường bê tông liên thôn khoảng 500m tới ngã ba thôn Phong Thạnh, rẽ trái khoảng 200m tới di tích.
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng trước năm 1843 (khoảng đầu thế kỷ XIX). Ban đầu đình xây dựng tại Gò Trưởng, bằng tranh, tre, vách đất; địa điểm xây dựng đình về hướng Tây, cách xa làng xóm và khu vực có nhiều thú dữ, rất khó khăn cho việc đi lại cúng tế nên dân làng đã chuyển đình về xây dựng tại đồng Cây Tín (nay là Gò Đình) và dựng như ban đầu. Vào khoảng năm 1932 đình bị cháy nên dân làng xây dựng lại ngôi đình tại địa điểm hiện nay.
Trải qua thời gian, đình đã được tu bổ một số lần
- Năm 1993, trùng tu Chính điện.
- Năm 2002, tôn tạo nhà Khách.
- Năm 2005, tôn tạo nhà Trù.
Đình có bố cục mặt bằng tổng thể như sau: Nghi môn, Án phong, Trụ cờ, miếu Âm hồn, miếu Sơn lâm Chúa tướng, Tiền tế và Chính điện, nhà Khách, nhà Trù.

Mặt bằng tổng thể của Đình Phong Thạnh

Đình Phong Thạnh thờ Thành Hoàng, Dương Oa Thần Nữ, Tiền hiền, Sơn lâm, Chúa tướng… Đình Phong Thạnh còn lưu giữ được 09 Sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng: 07 sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ, 02 Sắc (cho) Thành Hoàng Bổn Cảnh.
- Sắc phong Thiệu Trị năm thứ 03 (1843) Sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ.
- Sắc phong Thiệu Trị năm thứ 03 (1843) Sắc (cho) Dương Oa.Thần Nữ.
- Sắc phong Tự Đức năm thứ 03 (1850) Sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ.
- Sắc phong Tự Đức năm thứ 33 (1880) Sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ.
- Sắc phong Đồng Khánh năm thứ 02 (1887) Sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ.
- Sắc phong Duy Tân năm thứ 03 (1909) Sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ.
- Sắc phong Khải Định năm thứ 09 (1924) Sắc (cho) Dương Oa Thần Nữ.
- Sắc phong Duy Tân năm thứ 05 (1911) Sắc (cho) Thành Hoàng Bổn Cảnh.
- Sắc phong Khải Định năm thứ 09 (1924) Sắc (cho) Thành Hoàng Bổn Cảnh.
Đình nằm trong khuôn viên rộng rãi, có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đại đình gồm Tiền tế và Chính điện; trên hệ mái đắp nổi dòng chữ Hán Nôm: (亭  豐 盛 - Đình Phong Thạnh), phía trên đỉnh mái trang trí hoa văn “Lưỡng Long chầu Nhật”, trên đỉnh hai trụ lớn gắn hình nghê; trên trụ hiên viết cặp câu đối bằng chữ Hán Nôm ghép từ tên đình:
Phiên âm:
Phong lưu đức hậu cổ lai thành cộng tạo,
Thạnh cảnh phương danh kim thị đắc hòa ca.
Dịch nghĩa:
Phong lưu đức độ xưa nay nên tạo hóa,
Thạnh vượng tiếng thơm hiện tại rất ngợi ca.
Đình Phong Thạnh có hệ thống kết cấu kiến trúc bằng gỗ còn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn, các hoa văn trang trí được điêu khắc sắc sảo, tinh tế.
Chính điện được hình thành từ hai bộ vì và hai cột ở giữa, thay thế hai cột quân là bức tường chịu lực. Vì nóc kết cấu theo kiểu vì kèo; hai kẻ dài gác chéo nhau theo chiều dốc mặt mái, ăn mộng với nhau ở đỉnh vì, rồi chạy dài xuống bức tường. Liên kết hai bộ vì là các xà dọc tạo nên một kết cấu khung gỗ vững chắc. Kết cấu kiến trúc được hình thành từ sự liên kết của bộ khung gỗ và hệ thống tường bao. Trong kết cấu khung gỗ, bộ vì là yếu tố cơ bản, là sự liên kết tất cả các cấu kiện, nó vừa là kết cấu chịu lực, nâng đỡ mái lại vừa là hệ thống cấu thành không gian của ngôi nhà.
Hai bên Đại đình là nhà Đông và nhà Tây có kết cấu kiến trúc giống nhau, mái lợp ngói tây, bên trong không có hệ thống cột, vì, kèo, hệ mái gác lên bức tường và có các công trình phụ khác.
Hàng năm, đình Phong Thạnh được tổ chức lễ hội vào ngày 17 và 18 tháng 3 (Âm lịch). Ngoài ra, Ban quản lý di tích còn tổ chức lễ tạ Thần ân vào ngày 22 và 23 tháng Chạp hàng năm.
Đình Phong Thạnh được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2638/QĐ-UBND, ngày 14/10/2010, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Một số hình ảnh hoa văn trang trí của Đình Phong Thạnh:

                                                                                

Bá Trung Toản

 

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                    

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
HỘI THI TUYÊN TRUYỀN DI SẢN VĂN HÓA NĂM 2017 TẠI THÀNH PHỐ CAM RANH
Sáng ngày 4/10, tại Hội trường Trung tâm sinh hoạt Chính trị - Văn hóa thành phố Cam Ranh, Phòng Văn hóa - Thông tin; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Văn hóa - Thể thao đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh tổ chức hội thi “Tuyên truyền Di sản văn hóa” năm 2017.
TẬP HUẤN CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Sáng ngày 13 tháng 7, Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hoà phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vạn Ninh tổ chức hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
ĐỔI MỚI VIỆC TRÙNG TU, BẢO TỒN DI TÍCH
Đình Phước Đa (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ năm 2010, đình đã bị xuống cấp nhiều hạng mục, địa phương đã vận động người dân nhưng chỉ đủ kinh phí để sửa chữa một số hạng mục nhỏ. Năm 2016, các kết cấu công trình của đình đã không còn đảm bảo, trong khi địa phương không có kinh phí để trùng tu, sửa chữa.
BIA CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA TẠI ĐẢO SONG TỬ TÂY VÀ ĐẢO NAM YẾT
Khánh Hòa - Xứ Trầm biển yến có bờ biển phía Đông chiều dài theo đường chim bay khoảng 160km, tạo nên vùng bờ biển dài 385km (tính theo mép nước) và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ cùng các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Bởi vậy, vị trí địa lý của Khánh Hòa có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn đến các yếu tố như: Văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng - an ninh của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.
LĂNG BÀ VÚ
Lăng Bà Vú là nơi chôn cất người phụ nữ đã có công giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) qua cơn hoạn nạn lúc giao tranh với nhà Tây Sơn. Công trình do vua chỉ đạo xây dựng theo kiến trúc lăng tẩm để đền ơn đáp nghĩa nên dân gian gọi là lăng
LỄ THÀNH HÚY LẦN THỨ 2.498 TẠI VĂN MIẾU DIÊN KHÁNH
Sáng ngày 1 tháng 6 năm 2018 ( nhằm ngày 18/4 năm Mậu Tuất), tại Văn miếu Diên Khánh, Ban Quản lý di tích Văn miếu Diên Khánh đã tổ chức Lễ “Thánh húy” Đức Khổng Tử lần thứ 2.498 và phát phần thưởng cho học sinh huyện Diên Khánh nghèo vượt khó, đạt thành tích học tập, rèn luyện tốt năm học 2017-2018.
LỄ GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG NĂM 2018
Ngày 25-4 (tức ngày 10-3 Âm lịch), tại Đền Hùng Vương (số 173 Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang) diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm Giỗ tổ Hùng Vương.
TRẨY HỘI AM CHÚA
Theo truyền thuyết, núi Đại An xưa kia là nơi giáng trần của đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Bà là người có công dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi… Nhờ công đức của bà nên ruộng nương trong vùng được mở rộng, đời sống người dân ngày thêm sung túc. Bà còn có công phù hộ giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhớ ơn đức của bà nên người dân đã tạc tượng, lập đền thờ Am Chúa ở lưng núi Đại An nơi bà hiển Nhân. Hàng năm, vào ngày bà giáng trần, người dân lại tổ chức lễ hội với những màn hát văn, múa bóng, dâng hoa rất long trọng. Hiện nay, di tích Am Chúa đang lưu giữ được nhiều sắc phong có giá trị của triều đình nhà Nguyễn.
LỄ DÂNG HƯƠNG, TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ TÀU C235 TẠI XÃ NINH VÂN, THỊ XÃ NINH HÒA
Sáng ngày 1-3, tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 50 năm ngày Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại bến Hòn Hèo.
NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRUNG BỘ VÀ HÁT XOAN PHÚ THỌ ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN NHÂN LOẠI
Tại Jeju, Hàn Quốc, chiều ngày 7/12 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.