Hotline: (0258) 3813 758

LĂNG BÀ VÚ

03/07/2018 00:00        
Đọc tin

Lăng Bà Vú (còn gọi là Lăng Nhũ Mẫu), tọa lạc tại tổ 9, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

Lăng Bà Vú là nơi chôn cất người phụ nữ đã có công giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) qua cơn hoạn nạn lúc giao tranh với nhà Tây Sơn. Công trình do vua chỉ đạo xây dựng theo kiến trúc lăng tẩm để đền ơn đáp nghĩa nên dân gian gọi là lăng.

Ngược dòng lịch sử, từ năm 1775 trở đi, Khánh Hòa là vùng đất thường xuyên xảy ra việc tranh chấp giữa quân Tây Sơn và quân Chúa Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục[1] của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép: Nguyễn Ánh đã 5 lần đem quân ra đánh chiếm phủ Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay) và, trong tất cả những lần đó, Nguyễn Ánh đều bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, bị đuổi chạy khắp nơi, điển hình như trận thủy chiến ở khu vực Hòn Thị (1784).

Khi giao tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh nhiều lần thất bại phải kéo tàn quân bỏ chạy, trong một lần khi chạy đến làng Mỹ Hiệp thì lương thực cạn kiệt, trong mình lại đang bị bệnh, quân lính vừa đói vừa kiệt sức…tình thế vô cùng nguy khốn. Trong đêm tối, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đến gõ cửa nhà một người dân để xin bát cơm đỡ dạ. Chủ nhà (tương truyền là bà Trương Thị Tiềm) động lòng trắc ẩn nên mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Sau đó, bà cho người giúp việc giết heo làm thịt, nấu cơm đãi tất cả mọi người, đồng thời cung cấp thêm lương thực để đi đường. Riêng đối với Nguyễn Ánh, ngoài việc lo thuốc men chu đáo, bà còn cho người vắt sữa bò cho ông uống để mau phục hồi sức khỏe. Nhờ sự chăm sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Nguyễn Ánh sớm lành bệnh, tướng sĩ dần dần phục hồi sức khỏe để tiếp tục kéo quân về phương Nam.

Sau khi Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu là Gia Long (1802-1819). Nhớ lại ơn người cứu giúp năm xưa, vua sai người về làng Mỹ Hiệp đưa bà cụ ra kinh đô phụng dưỡng. Tuy nhiên, khi sứ giả tới nơi thì bà cụ đã mất. Để tỏ lòng tri ân, vua Gia Long truy phong cho bà danh hiệu “Nhũ Mẫu” (người Vú nuôi). Đồng thời, vua ra lệnh cho bộ Công cử một số thợ giỏi đang xây dựng cung điện nhà vua ở kinh đô lúc bấy giờ vào Mỹ Hiệp phối hợp với thợ địa phương xây dựng lăng mộ cho người Vú nuôi theo quy cách lăng tẩm của hoàng tộc. Khu lăng mộ được xây dựng trong hai năm, từ năm 1802 đến năm 1804 hoàn thành. Buổi lễ khánh thành được tổ chức cúng rất lớn và do quan đầu tỉnh trực tiếp làm chủ lễ.

Bên cạnh đó, vì bà không có con cháu để nhang khói và tế tự, vua còn cấp ruộng đất cho bà con trong vùng cày cấy không phải nộp thuế để lo cúng giỗ của Bà (truyền khẩu là ngày 16 tháng Chạp). Hàng năm, cứ đến ngày giỗ của Bà, chức sắc và dân làng tập trung làm lễ giỗ rất trọng thể, đủ lễ nhạc như các lăng tẩm ở triều đình. Từ đó, việc nhang khói, cúng tế ở lăng Bà Vú vẫn do quan Tuần Vũ Khánh Hòa đến làm chủ lễ theo lệ Xuân Thu nhị kỳ. Ngày nay, Ban quản lý di tích cùng chính quyền và nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ giỗ Bà Vú vào ngày 16 tháng Chạp hàng năm.

Khảo tả di tích: Lăng Bà Vú nằm trên một khu đất rộng 1.766 m2 (lăng mộ có diện tích 291m2 ). Phía trước lăng là khoảng đất trống rộng dùng trồng hoa, cây cảnh, xa nhất về phía trước là hồ nước hình chữ nhật (diện tích 262m2), theo quan niệm xưa, di tích có vị trí đẹp thì phía trước phải có hồ nước là nơi tụ thủy (tức là tụ phúc) làm yếu tố minh đường và phía sau lăng Bà Vú là một hòn giả sơn đắp bằng đất làm yếu tố hậu chẩm (thế dựa lưng), tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân hiện nay hòn giả sơn đã không còn.

Lăng quay về phía Đông, hơi lệch sang hướng Bắc (chừng 150), có kết cấu gồm 3 lớp tường thành:
- La Thành (Lớp tường thành thứ 1): Bao bọc bên ngoài hình chữ nhật (kích thước 9,65m x 13,46m), có cửa vào rộng 3,62m, chiều cao trung bình 2,0m. Trên đỉnh ở hai bên cổng đắp 2 con lân nằm với chất liệu vôi vữa và tô màu rất sống động, sắc sảo. Đỉnh thành có đắp mũ, trát gờ chỉ. Mặt ngoài trát vữa tô trau, mặt trong trang trí các cảnh tích. Trên hai góc tường phía trước nguyên đắp câu đối nhưng nay đã mờ gần hết chữ, dưới hai con lân đắp nổi hai chữ Phúc.
.- Bửu Thành (Lớp tường thành thứ 2): Có dạng hình chữ nhật (kích thước 9,43m x 12,3m), cao 1,385m, cửa mở về phía Đông (giống La Thành), rộng 2,97m. Đỉnh tường cũng đắp mũ tròn, gờ chỉ. Trên cổng ở hai bên cũng đắp 2 con lân trong tư thế đặt một chân lên quả cầu. Toàn bộ mặt trong và ngoài của Bửu Thành trang trí ô hộc, đắp hoa văn và cảnh tích bằng vữa tô màu.

- Uynh Thành (Lớp tường thành thứ 3): Là vòng thành trong cùng bao bọc lấy phần mộ. Uynh Thành có dạng hình ô van, đỉnh tường thành nhấp nhô kiểu yên ngựa (đầu và đuôi cao, giữa thấp). Thành được tạo dáng giống như hai con lân quấn đuôi vào nhau, hai đầu nằm trên cổng. Các chùm tóc (bờm) xoắn lông, chùm đuôi lân đắp nối liền với đầu, trùm lên mũ tường Uynh Thành; thân tường chia ô hộc và đắp hoa văn cảnh tích.

Từ ngoài vào trong, ngoài 3 vòng thành nói trên còn có án phong, bệ bia, huyệt mộ và hương án. Điểm độc đáo làm nên giá trị của Lăng Bà Vú là vật liệu xây dựng và hoa văn trang trí:
- Về vật liệu: Lăng mộ được xây bằng vữa truyền thống theo kỹ thuật thời Nguyễn, người dân địa phương quen gọi là “bê tông cổ” hay vữa tam hợp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hợp chất này được chế tạo bằng cách trộn các vật liệu gồm: cát thô (cỡ hạt tới 10mm), vôi hàu giã, bột giấy, mật mía, nhựa cây bời lời (hoặc lá bồ đề giã nhỏ lấy nhớt). Các vật liệu được hòa trộn với nhau theo một tỉ lệ nhất định và kết cấu công trình có bền vững hay không phụ thuộc vào tỉ lệ pha trộn vật liệu của người nghệ nhân. Các tường thành hoặc khối tạo hình theo từng lớp dày 20-30cm, vữa trát ngoài hoặc các họa tiết trang trí dày 12mm. Màu sắc các chi tiết được sử dụng theo màu truyền thống pháp lam Huế.
- Về hoa văn trang trí:  Các họa tiết trang trí ô hộc và các văn tự phần lớn được đắp trên các tường thành: La Thành, Bửu Thành, Uynh Thành….Hệ thống ô hộc dàn trải trong không gian của từng vòng thành bao bọc khu Lăng mộ. Đề tài thể hiện phỏng theo những cảnh tích cổ như: Nhị thập tứ hiếu (Lão Lai Tử, Quách Cự, Lục Tích, Giang Cách, Hoàng Hương, Dương Hương, Tăng Tử, Mẫn Tử Khiên…), thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, Sơn thủy tùng định, Bát tiên, Tùng lộc, Dương liễu, Song phụng triều nghi,…Các cảnh tích này thể hiện lối sống thanh tao, trong sáng của người quân tử; đạo nghĩa làm người…nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Các ô hộc có kích thước lớn được trang trí bằng những hồi văn chữ Vạn hay những hoa văn dây leo được cách điệu. Đặc biệt khu vực Hương án, các họa tiết trang trí được thể hiện khá chi tiết. Đây được xem như ngai thờ, cũng là điểm chính của khu Lăng mộ. Ngoài các họa tiết hoa văn trang trí còn có một bức văn bia bằng chữ Hán Nôm có nội dung ca ngợi đức hạnh Bà Vú.

Nghệ thuật trang trí ở Lăng Bà Vú đã đạt đến sự hoàn chỉnh, từ tổng thể đến họa tiết hoa văn. Hệ thống đường nét và mảng khối thể hiện sự thống nhất, bố cục chặt chẽ trong một không gian hẹp, có mảng chính, mảng phụ, có điểm nghỉ mắt, tạo nên tổng thể hài hòa, đăng đối. Các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng hình thể, đường nét theo hướng nội trong từng chi tiết ô hộc, cũng như việc sắp đặt những con lân chầu ở La Thành, Bửu Thành hoặc lưỡng long ở Uynh Thành… Điều đó tạo nên bố cục hiệu quả thẩm mỹ, đem lại cảm giác ấm cúng cho khu Lăng mộ.

Tóm lại, từ vật liệu xây dựng đến nghệ thuật trang trí ở Lăng Bà Vú đã biểu đạt được ý nghĩa văn hóa và giá trị nhân văn sâu sắc, nhằm tri ân người phụ nữ đã có công sức và tiền của giúp chúa Nguyễn Phú Ánh lúc hoạn nạn. Phong cách kiến trúc triều Nguyễn ấy, đương nhiên có sự kế thừa của các thời đại trước đó, mà theo Nguyễn Hữu Thông, nghệ thuật tạo hình thời các chúa Nguyễn ở giai đoạn đầu phản ánh nghệ thuật thời Lê ở các phương diện: Chất liệu, kỹ thuật, tạo hình,…Kiến trúc lăng mộ cũng xuất hiện với kết cấu thiên về hình khối, chắc khỏe thậm chí thô bè, dày dặn theo phong cách của nhà Lê[2].

Lăng Bà Vú là một Di sản Văn hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia tại Quyết định số 05/1999-QĐ-BVHTT ngày 12/02/1999, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Di tích không chỉ có ý nghĩa về mặt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn có giá trị rất lớn về mặt kiến trúc nghệ thuật phản ánh sự tài hoa của các nghệ nhân dưới triều nhà Nguyễn cách đây hơn hai thế kỷ./.

Một số hình ảnh chi tiết kiến trúc nghệ thuật Lăng Bà Vú:

                                                                    

 

 

 

 

 

 

Trần Thị Thanh Loan

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

[2] Nguyễn Hữu Thông (chủ biên) (2014), sđd, tr.32.

Quét mã QR để xem vị trí di tích tại đây:

                   

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá:
 

Tin khác

breaker
HỘI THI TUYÊN TRUYỀN DI SẢN VĂN HÓA NĂM 2017 TẠI THÀNH PHỐ CAM RANH
Sáng ngày 4/10, tại Hội trường Trung tâm sinh hoạt Chính trị - Văn hóa thành phố Cam Ranh, Phòng Văn hóa - Thông tin; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Văn hóa - Thể thao đã phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích tỉnh tổ chức hội thi “Tuyên truyền Di sản văn hóa” năm 2017.
TẬP HUẤN CÔNG TÁC BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Sáng ngày 13 tháng 7, Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hoà phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vạn Ninh tổ chức hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
ĐỔI MỚI VIỆC TRÙNG TU, BẢO TỒN DI TÍCH
Đình Phước Đa (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ năm 2010, đình đã bị xuống cấp nhiều hạng mục, địa phương đã vận động người dân nhưng chỉ đủ kinh phí để sửa chữa một số hạng mục nhỏ. Năm 2016, các kết cấu công trình của đình đã không còn đảm bảo, trong khi địa phương không có kinh phí để trùng tu, sửa chữa.
BIA CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA TẠI ĐẢO SONG TỬ TÂY VÀ ĐẢO NAM YẾT
Khánh Hòa - Xứ Trầm biển yến có bờ biển phía Đông chiều dài theo đường chim bay khoảng 160km, tạo nên vùng bờ biển dài 385km (tính theo mép nước) và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ cùng các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa. Bởi vậy, vị trí địa lý của Khánh Hòa có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng lớn đến các yếu tố như: Văn hóa, xã hội, kinh tế, quốc phòng - an ninh của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.
ĐÌNH PHONG THẠNH
Trong những cuộc di dân vào vùng đất Khánh Hòa, có một nhóm người gốc Bình Định đã định cư ở Suối Ré - tức làng Phong Thạnh ngày nay. Các vị tiền nhân đến khai hoang lập ấp, sinh sống ở đây đã xây dựng đình từ khi nào không ai trong làng còn nhớ rõ. Căn cứ vào sắc phong còn lưu giữ ở đình lâu đời nhất là sắc đời vua Thiệu Trị năm thứ 3 (năm 1843), có thể đoán định đình được xây dựng ....
LỄ THÀNH HÚY LẦN THỨ 2.498 TẠI VĂN MIẾU DIÊN KHÁNH
Sáng ngày 1 tháng 6 năm 2018 ( nhằm ngày 18/4 năm Mậu Tuất), tại Văn miếu Diên Khánh, Ban Quản lý di tích Văn miếu Diên Khánh đã tổ chức Lễ “Thánh húy” Đức Khổng Tử lần thứ 2.498 và phát phần thưởng cho học sinh huyện Diên Khánh nghèo vượt khó, đạt thành tích học tập, rèn luyện tốt năm học 2017-2018.
LỄ GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG NĂM 2018
Ngày 25-4 (tức ngày 10-3 Âm lịch), tại Đền Hùng Vương (số 173 Ngô Gia Tự, TP. Nha Trang) diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm Giỗ tổ Hùng Vương.
TRẨY HỘI AM CHÚA
Theo truyền thuyết, núi Đại An xưa kia là nơi giáng trần của đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Bà là người có công dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi… Nhờ công đức của bà nên ruộng nương trong vùng được mở rộng, đời sống người dân ngày thêm sung túc. Bà còn có công phù hộ giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhớ ơn đức của bà nên người dân đã tạc tượng, lập đền thờ Am Chúa ở lưng núi Đại An nơi bà hiển Nhân. Hàng năm, vào ngày bà giáng trần, người dân lại tổ chức lễ hội với những màn hát văn, múa bóng, dâng hoa rất long trọng. Hiện nay, di tích Am Chúa đang lưu giữ được nhiều sắc phong có giá trị của triều đình nhà Nguyễn.
LỄ DÂNG HƯƠNG, TƯỞNG NIỆM CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ TÀU C235 TẠI XÃ NINH VÂN, THỊ XÃ NINH HÒA
Sáng ngày 1-3, tại xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm 50 năm ngày Tàu C235 và 14 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh tại bến Hòn Hèo.
NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRUNG BỘ VÀ HÁT XOAN PHÚ THỌ ĐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ ĐẠI DIỆN NHÂN LOẠI
Tại Jeju, Hàn Quốc, chiều ngày 7/12 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003, “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.