Vào ngày 22/10/2024, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã tham dự hội thảo khoa học với chủ đề "Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích" do Viện Bảo tồn di tích – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích, công nghệ hóa học, các Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng một số Bảo tàng, Trung tâm Bảo tồn di tích, Ban Quản lý di tích tại một số tỉnh miền Trung Việt Nam.
Quang cảnh tại Hội thảo
Hội thảo tập trung thảo luận ba nội dung chính, gồm: Bảo quản vật liệu gạch, đá trong di tích; Kỹ thuật và công nghệ bảo quản vật liệu gạch, đá hiện nay tại Việt Nam và thế giới; Khả năng áp dụng cụ thể của các công nghê, giải pháp và sản phẩm bảo quản các nhóm vật liệu gạch, đá trong di tích. Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, công bố các kết quả nghiên cứu mới nhất về ứng dụng công nghệ hóa học trong việc bảo quản, khôi phục các vật liệu tại di tích, đặc biệt là các di tích tháp Chăm. Từ đó trao đổi, tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia về các nội dung liên quan. Ngoài chương trình thảo luận, các đại biểu còn được tham quan thực tế một số kết quả ứng dụng thử nghiệm trong bảo quản bề mặt vật liệu của Viện Bảo tồn di tích tại hai di tích nổi tiếng là Tháp Chiên Đàn và Thánh địa Mỹ Sơn.
Thạc sĩ Hoàng Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa trình bày bài tham luận
Tại Hội thảo, Thạc sĩ Hoàng Quý - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa đã có bài tham luận với chủ đề “Thực trạng di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang”. Bài tham luận đã nêu những thách thức mà di tích đang phải đổi mặt để việc tu bổ, tôn tạo được bền vững và lâu dài. Di tích Tháp Bà Ponagar là một trong những công trình kiến trúc Chămpa có giá trị lịch sử văn hóa to lớn, do đó, việc bảo tồn và khôi phục các viên gạch cổ là vô cùng quan trọng.
Các đoàn đại biểu tham quan di tích Tháp Chiên Đàn - Quảng Nam
Hội thảo "Ứng dụng công nghệ hóa học trong công tác bảo quản vật liệu di tích" đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, học hỏi và nghiên cứu chuyên sâu cho Trung tâm Bảo tồn di tích, đặc biệt trong việc áp dụng công nghệ hóa học vào công tác bảo quản gạch, đá tại di tích Tháp Bà Ponagar. Hội thảo đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, khẳng định tầm quan trọng của việc kết hợp giữa khoa học công nghệ và công tác bảo tồn di sản, nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cho các thế hệ mai sau.
Tin, bài: Khánh Hà