Hotline: (0258) 3813 758

DI TÍCH KHẢO CỔ ĐỊA ĐIỂM DỐC GẠO

09/09/2024 00:00        
Đọc tin

Di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo còn có tên gọi Di chỉ khảo cổ Dốc Gạo, thuộc tổ dân phố Hạp Phú, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Dốc Gạo là ngọn núi nơi bộ đàn đá Khánh Sơn được gia đình người Raglai tên Bo Bo Sung tìm thấy trong lúc làm nương rẫy vào khoảng năm 1947 tại khu vực đỉnh núi Dốc Gạo. Sau đó, tại núi Dốc Gạo các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát năm 1979 và khảo cổ vào năm 1980 đến 1981.


Đường lên núi Dốc Gạo

Theo ông Bo Bo Ren kể: thuở ông 13, 14 tuổi, ông đã thấy cha ông là Bo Bo Sung dùng đàn đá để giữ rẫy, những thanh đàn đá cha ông đào được ở đỉnh núi Dốc Gạo trong lúc tìm củ mài. Bộ đàn đá Khánh Sơn được gia đình người Raglai tên Bo Bo Sung tìm thấy trong lúc làm nương rẫy vào khoảng năm 1947 tại khu vực đỉnh núi Dốc Gạo, thuộc thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.

Tháng 3 năm 1979, sau quá trình khảo sát, đoàn nghiên cứu đánh giá đây là bộ đàn đá quý hiếm của Việt Nam, nên chính quyền đã vận động gia đình ông Bo Bo Ren hiến tặng 2 bộ đàn đá cho Nhà nước nghiên cứu, bảo quản và giới thiệu cho công chúng. Đây là bộ đàn đá rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm, và là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.

Về chủ nhân chế tác bộ đàn đá được đánh giá trong quyển sách “Những phát hiện mới về đàn đá Khánh Sơn” như sau: “Việc sưu tầm thêm 16 thanh đá từ sau ngày 12/9/1979 đến nay càng khẳng định rằng người Raglai ở Khánh Sơn tuy có trong tay nhiều bộ đàn đá nhưng hầu hết chỉ biết sử dụng như một công cụ bảo vệ sản xuất dù những thanh đá đó do “nhang” cho (Trời cho) hay không phải do “nhang” cho. Điều đó chứng tỏ: Chủ nhân nguyên thủy của các bộ Đàn đán Khánh Sơn không thuộc về dân tộc Raglai.”[1]

Về tên gọi, do đàn đá được phát hiện tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nên gọi là “Đàn đá Khánh Sơn”. Bộ đàn đá có niên đại khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay[2].

Từ khi phát hiện bộ đàn đá Khánh Sơn, với bộ nhạc khí độc đáo này, chúng ta có thể tấu lên một số điệu dân ca quen thuộc của các dân tộc ở Tây Nguyên, và có thể sáng tác những giai điệu mới, những bản nhạc mới theo phong cách Tây Nguyên; hoặc có thể phối hoà âm theo quy luật thẩm mỹ riêng theo truyền thống Tây Nguyên ngày nay.

Kết quả của các đợt khảo sát và khảo cổ:

Ngày 12/9/1979, khi công bố chính thức về sự phát hiện ra Đàn đá Khánh Sơn, Phú Khánh chúng ta đã sưu tầm được 4 bộ Đàn đá đặt tên là Đàn đá Khánh Sơn A, B, C, D.

Từ tháng 10/1979, nhờ có không khí phấn khởi chung của ngày 12/9/1979, Nhân dân 5 xã vùng Khánh Sơn đã tích cực đóng góp công sức của mình vào việc tiếp tục phát hiện và sưu tầm thêm được nhiều bộ đàn đá mới, làm phong phú thêm khả năng nghiên cứu về âm thanh học, âm nhạc học, địa chất học…

- 1 bộ 4 thanh của ông Bo Bo Ren ở thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp vùng Khánh Sơn được sưu tầm trong ngày 20/5/1980 tại khu vườn của ông Bo Bo Ren ở triền phía Bắc núi Dốc Gạo.

 - 1 bộ 6 thanh của ông Cau Mới ở thôn Liên Hiệp, xã Sơn Hiệp vùng Khánh Sơn được sưu tầm trong hai đợt ngày 12/10/1979 và ngày 26/5/1980. Theo ông Cau Mới kể lại, năm 1959 trong khi đi phát rừng làm rẫy, ông đã bắt gặp 6 thanh đá này tại Xóm Cỏ, chân núi Dốc Gạo và đem 6 thanh đó cất giấu dưới 1 gốc cây.

 - 1 bộ 8 thanh của ông Cau Long, thôn Liên Hòa, xã Sơn Hiệp vùng Khánh Sơn được sưu tầm trong 2 đợt ngày 16/6/1980 và 28/6/1980 tại đầu suối Dupa, làng cà giàng xã Sơn Hiệp, về phía Tây Nam chân núi Dốc Gạo. Bộ này theo ông Cau Long cho biết do cha ông là Cau Thức giao lại cho ông năm 1963.

 - 1 bộ 10 thanh của ông Máu Xiêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Hiệp vùng Khánh Sơn - Cam Ranh được sưu tầm trong đợt 16/6/1980 và 28/6/1989 tại núi Gia Brứ, thôn Liên Hòa xã Sơn Hiệp. Theo lời ông Máu Xiêng kể, bộ đàn này do cha ông giao lại năm 1961.

 - 1 bộ 11 thanh của ông Tro Thành, thôn Liên Hòa, xã Sơn Hiệp vùng Khánh Sơn - Cam Ranh được sưu tầm trong 2 đợt 16/6/1980 và ngày 28/6/1980 tại đầu suối Ga Đát, phía Tây Nam chân núi Dốc Gạo. Theo lời kể của ông Tro Thành, bộ này do cha ông giao lại năm 1959.

Ngoài ra, huyện Cam Ranh còn sưu tầm được một bộ 7 thanh đàn đá.

Một năm qua, chúng ta đã sưu tầm thêm được 46 thanh đàn đá. Tính chung cả 4 bộ Đàn đá Khánh Sơn A, B, C, D đã tìm được trước ngày 12/9/1980, đến nay chúng ta đã phát hiện và sưu tầm được tất cả 73 thanh đàn đá[3].

Khi nghiên cứu nhóm mảnh tước trên, các nhà khảo cổ học đã phân chia thành các loại mảnh tước phát hiện được đều sử dụng kỹ thuật ghè trực tiếp, ghè gián tiếp, bổ trực tiếp và đã có một số kết luận như sau:

- So sánh kỹ thuật ghè qua sưu tập mảnh tước thu thập được tại di tích Dốc Gao với các vết ghè trên các thanh đàn đá Khánh Sơn tác giả cho rằng “có sự tương đồng giữa kỷ thuật ghè đẽo trực tiếp trên thanh đàn đá cũng như chiều sâu của vết ghè đẽo tương ứng với các mảnh tước thu được trong di tích Dốc Gạo”.

- Nghiên cứu kỹ thuật học trên mảnh tước và trên các thanh đàn đá tác giả cho rằng “Dốc Gạo trong một thời đoạn lịch sử nhất định đã từng là một công xưởng chế tạo đàn đá”.

- Phát hiện được hàng trăm mảnh tước đã xác nhận “vùng núi Dốc gạo là một trung tâm làm đàn đá, đồng thời nó còn góp phần soi sáng thêm về cách thức và quy trình chế tác các thanh đàn đá Khánh Sơn và “khẳng định những thanh đàn đá Khánh Sơn được chề tác tại chỗ và là công xưởng làm đàn đá đầu tiên được phát hiện”[4].

- Chất liệu làm đàn đá là “đá Rhyolite Porphyre là loại đá phân bố ngay trên đỉnh Dốc Gạo và khu vực lân cận”. “Tuy chưa có những cứ liệu chắc chắn để định niên đại cụ thể đàn đá Dốc gạo nhưng xét về mặt kỹ thuật chế tác bằng ghè trực tiếp, ghè gián tiếp và có thể cả bằng kỹ thuật cưa,..v.v, chúng tôi cho rằng đàn đá Dốc Gạo có thể cùng niên đại với đàn đá đã được khai quật trong di chỉ khảo cổ học Bình Đa (Biên Hòa)”[5].

Di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo là địa chỉ lưu dấu những giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất Khánh Sơn, đặc biệt là niềm tự hào được coi là quê hương của đàn đá. Việc phát hiện đàn đá Khánh Sơn và công bố năm 1979 là phát hiện quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật. Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đến xem bộ đàn đá Khánh Sơn tại Khánh Hoà, một lần nữa khẳng định: “Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người, người Việt Nam đã có ở đây từ lâu” (tháng 12/1979).[6] Chính vì vậy, bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và âm nhạc học, góp nhiều cứ liệu khoa học để phát huy cách sử dụng đàn đá, làm giàu thêm nhiều màu sắc âm thanh và nâng cao chất lượng nghệ thuật của các sáng tác âm nhạc và đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ thưởng thức âm nhạc trong xã hội đương đại. Trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tính độc bản, độc đáo có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, lịch sử âm nhạc học, Sưu tập đàn đá Khánh Sơn (gồm 12 hiện vật) tỉnh Khánh Hoà đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đợt 12). Hiện nay, bộ Sưu tập đàn đá Khánh Sơn đang được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (số 16, đường Trần Phú, thành phố Nha Trang).

Năm 2024, di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích.

Nguyễn Thị Hồng Tâm

[1] Ty Văn hóa và Thông tin Phú Khánh (1980), Những phát hiện mới về đàn đá Khánh Sơn, trang 11.
[2] Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12).
[3] Ty Văn hóa và Thông tin Phú Khánh (1980), Những phát hiện mới về đàn đá Khánh Sơn, trang 4-5.
[4] Lê Xuân Diệm, Nghiên cứu mảnh tước Dốc Gạo (Phú Khánh), Những phát hiện về khảo cổ học 1981, Nxb Khoa học - Xã hội, trang 137.
[5] Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Duy Tỳ, Bùi Chí Hoàng, Đào thám sát Dốc Gạo (Phú Khánh), Những phát hiện mới về khảo cổ học 1980, Nxb Khoa học - Xã hội, trang 138.
[6] Nội san tư liệu âm nhạc, số 6, xuất bản tháng 12/1979 của Viện Nghiên cứu Âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Địa chí Khánh Hòa (2003), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Hồ sơ công nhận bảo vật Bộ Sưu tập Đàn đá Khánh Sơn là bảo vật quốc gia, lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa.
3. Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12).
4. Ty Văn hóa và Thông tin Phú Khánh (1980), Những phát hiện mới về đàn đá Khánh Sơn.
5. Nội san tư liệu âm nhạc, số 6, xuất bản tháng 12/1979 của Viện Nghiên cứu Âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin.
6. Nguyễn Duy Tỳ, Bùi Chí Hoàng, Khai quật đàn đá trên đỉnh Dốc Gạo (Phú Khánh), Những phát hiện mới về khảo cổ học 1981, Nxb Khoa học - Xã hội, trang 137 -138
7. Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Duy Tỳ - Bùi Chí Hoàng, Đào thám sát Dốc Gạo (Phú Khánh), Những phát hiện mới về khảo cổ học 1980, Nxb Khoa học - Xã hội, trang 138
8. Lê Xuân Diệm, Nghiên cứu mảnh tước Dốc Gạo (Phú Khánh), Những phát hiện mới về khảo cổ học 1981, Nxb Khoa học - Xã hội, trang 137.

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG TÔ HẠP
Tên gọi Tô Hạp ra đời đo lưu vực sông chảy qua địa bàn huyện Khánh Sơn có rất nhiều cây Tô Hạp, là loại cây có mủ dùng làm dược liệu nên người dân địa phương lấy tên loài cây đặt tên địa danh là Tô Hạp. Tô Hạp là thung lũng được bao bọc bởi các dãy núi chính như Đá Bia (YaBi) và Shoung Khong, YaBio… Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tô Hạp được chọn là căn cứ cách mạng, là đại bản doanh tập trung nhiều cơ quan lớn của Tỉnh ủy Khánh Hòa, các lực lượng vũ trang của khu 5 và tỉnh Khánh Hòa.
THÁC TÀ GỤ
Thác Tà Gụ thuộc thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, là huyện miền núi phía Tây tỉnh Khánh Hòa. Danh lam thắng cảnh Thác Tà Gụ còn có tên gọi khác: Thác Ta Gu, thác Ru Gou, thác Ru Gu. Theo tiếng Raglai, chữ Ta có nghĩa là đá, chữ Gu có nghĩa là đứng, hai chữ đó có nghĩa là đá đứng, nhưng phiên âm ra mọi người quen đọc là Tà Gụ và tên gọi này đã trở nên phổ biến hiện nay.