Hotline: (0258) 3813 758

NÁO NỨC LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR

25/04/2022 00:00        
Đọc tin

Sau 2 năm không diễn ra vì đại dịch Covid-19, lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay đã nhận được sự quan tâm của đông đảo nhân dân và khách thập phương. Náo nức, thành kính đi về lễ Mẹ, mỗi người đều nguyện cầu những điều tốt đẹp, yên vui trong cuộc sống.

Vui ngày về lễ Mẫu

Vượt chặng đường hơn 100km, từ thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), đoàn hành hương của gia đình chị Ức Thị Huyền Giao với hơn 20 người đã có mặt tại khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang từ sớm để bày biện lễ vật kính dâng lên Mẹ. Khi biết lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay được tổ chức để người dân khắp nơi về tham dự, chị Huyền Giao và những người trong gia đình đều cảm thấy rất vui. Trong một tuần qua, mọi người đã tự phân chia công việc để chuẩn bị cho việc về dâng cúng Thiên Y A Na Thánh Mẫu được chu đáo, trọn vẹn nhất. Trong niềm vui được về lễ Mẹ, mọi người cầu mong cháu con học hành giỏi giang, mọi người trong nhà có sức khỏe tốt, công chuyện làm ăn được thuận lợi.

thap-ba-ponagar

Tháp Bà Ponagar. Ảnh: VĨNH THÀNH

Cùng chung cảm xúc vui mừng khi được về tham gia lễ Mẫu, các thành viên trong đoàn tín ngưỡng Thiên Linh Sơn Hải Cảnh (TP. Đà Nẵng) đã chuẩn bị lễ vật, khăn y sao cho đẹp nhất để trình diện trước Mẹ. “Trước khi có dịch Covid-19, đoàn của chúng tôi thường xuyên đi tham dự các ngày lễ, ngày hội về Thiên Y Thánh Mẫu. Đến với lễ hội Tháp Bà Ponagar lần này, chúng tôi thành tâm cầu mong sức khỏe bình yên, công việc làm ăn thuận lợi, điều lành đem đến điều xấu tống khứ xa phương”, chị Nguyễn Thị Minh Uyên cho biết.

Trong niềm vui lễ hội, chúng ta lại nhớ đến hình ảnh nhiều người dân âm thầm đứng ngoài khu vực di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang để bái vọng từ xa trong những ngày vía Mẫu, ngày Tết ở thời điểm dịch Covid-19 đang hoành hành phức tạp. “Được về lễ Mẫu chúng tôi cảm thấy rất vui vẻ, thoải mái, toại nguyện mong ước tâm linh. Đến đây, ngoài dâng lễ lên Mẹ, đoàn chúng tôi còn múa hát dâng bông và nguyện cầu cho thế giới hòa bình, thiên tai dịch bệnh sớm qua đi, gia đình, gia đạo bình an”, bà Nguyễn Thị Mau - đoàn Kim Thuyền Suối Đổ Diên Khánh chia sẻ.

Kỳ lễ hội thành công

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm nay diễn ra từ ngày 20 đến 23-4 (nhằm ngày 20 đến 23-3 âm lịch). Do lễ hội diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn, nên trong công tác tổ chức đã có những sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình và đảm bảo không phát sinh tình huống xấu. Cụ thể, ở phần lễ, những nghi thức truyền thống như: Lễ thay y Mẫu; lễ cầu quốc thái dân an; lễ thí thực; lễ cúng giờ tý; lễ tế cổ truyền; cùng hoạt động dâng hương lễ Mẫu của người dân, khách hành hương, du khách vẫn được diễn ra. Bên cạnh đó, buổi lễ khai mạc cũng được tổ chức tinh gọn, giảm thiểu thời gian, nhưng vẫn đảm bảo sự trang nghiêm. Còn ở phần hội, một số hoạt động như lễ rước bài vị, lễ thả hoa đăng, cũng như một số trò chơi dân gian đã không được thực hiện. Tuy nhiên, ban tổ chức vẫn bố trí sân khấu để các đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sau khi vào dâng hương có thể ra múa hát dâng Mẫu. Ở sân khấu này, cũng là nơi tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh thực hiện để phục vụ người về tham dự lễ hội.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, trong những ngày diễn ra lễ hội đã có khoảng 100 đoàn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở trong, ngoài tỉnh với khoảng 2.500 người đăng ký tham gia. Ngoài ra, khu di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang cũng đón hơn 4.500 khách du lịch và khoảng 65.000 lượt người dân địa phương, đồng bào Chăm ở các tỉnh trong khu vực đến tham quan, lễ bái. Để đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, đảm bảo phòng, chống dịch, ban tổ chức lễ hội đã huy động sự tham gia lực lượng của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được ban tổ chức quán triệt thực hiện tốt; thường xuyên nhắc mọi người đeo khẩu trang, giới hạn số lượng mỗi đợt vào tháp chính lễ Mẫu từ 15 đến 20 người và thời gian hành lễ khoảng 15 phút.

Với việc tinh giảm một số hoạt động lễ hội nhằm đảm bảo cho những ngày lễ hội được diễn ra tốt đẹp, nhưng vẫn tạo điều kiện cho người dân, khách hành hương, du khách thực hiện nhu cầu tín ngưỡng một cách thuận lợi nhất. Điều này, đã được nhiều người về dự lễ hội ghi nhận. “Mặc dù 2 năm lễ hội Tháp Bà Ponagar không diễn ra, nhưng khi tổ chức trở lại vẫn rất bài bản, có kỷ luật và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người, nhất là những người ở xa về dự lễ”, ông Lưu Tấn Thành (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) nhận xét.

Kỳ lễ hội Tháp Bà Ponagar thời bình thường mới đã diễn ra suôn sẻ, thành công và để lại những kinh nghiệm quý trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh.


 

Nguồn Khánh Hòa Online

 

Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 2
 

Tin khác

breaker
KHAI MẠC LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR NĂM 2024
Sáng 29-4 (tức ngày 21-3 Âm lịch), tại khu di tích quốc gia Tháp Bà Ponagar, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2024. Đến dự, có các vị đại biểu: Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; cùng đông đảo người dân, khách hành hương, du khách trong và ngoài nước.
THẢ HOA ĐĂNG TRONG LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR
Chiều tối 28-4 (tức ngày 20-3 Âm lịch), Ban tổ chức Lễ hội Tháp Bà Ponagar đã thực hiện lễ thả hoa đăng trên dòng sông Cái, đoạn đi qua di tích Tháp Bà Ponagar...
SẴN SÀNG KHAI HỘI THÁP BÀ PONAGAR
Những ngày này, công tác chuẩn bị cho lễ hội Tháp Bà Ponagar đang được Ban tổ chức khẩn trương thực hiện. Với nhiều nét mới trong công tác tổ chức, mùa lễ hội năm nay đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, khách hành hương và du khách trong nước, quốc tế. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 28-4 đến 1-5 (tức ngày 20 đến 23-3 âm lịch) nên dự kiến số lượng người tham gia lễ hội sẽ đông hơn năm trước.
NÂNG TẦM LỄ HỘI CẦU NGƯ
Hoạt động tái hiện Lễ hội Cầu ngư đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng trong các kỳ Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Đã đến lúc ngành chức năng cần nâng tầm hoạt động này để trở thành một lễ hội đường phố thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá nét sinh hoạt văn hóa của cư dân miền biển đến bạn bè gần xa.
VÀO MÙA LỄ MẪU THÁNG BA
Khánh Hòa được xem là một trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Cứ mỗi lần đến mùa lễ Mẫu tháng Ba (âm lịch), người dân, khách hành hương, khách thập phương lại nô nức đến với các lễ hội: Am Chúa, Tháp Bà Ponagar và địa danh Suối Đổ.
LƯU LẠI NÉT ĐẸP LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR
Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong rất ít lễ hội truyền thống của nhân dân thể hiện rõ nét giao thoa văn hóa độc đáo về tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội vẫn được các tầng lớp nhân dân gìn giữ, phát huy trong đời sống văn hóa cộng đồng.
HƠN 163.000 LƯỢT KHÁCH THAM QUAN DI TÍCH THÁP BÀ
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, những ngày đầu năm Đinh Dậu 2017, lượng khách du lịch và khách hành hương đến khu di tích Tháp Bà Ponagar tăng cao.
LỄ HỘI THÁP BÀ PONAGAR NĂM 2017
Ngự trên đồi Cù Lao thuộc tỉnh Khánh Hòa là khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Tháp Bà Ponagar. Hàng năm vào ngày 21/3 đến 23/3 âm lịch, tại nơi đây lại diễn ra Lễ hội Tháp bà Ponagar , đây là lễ hội dân gian lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn của Thiên Y Ana Thánh Mẫu.