Hotline: (0258) 3813 758

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI TÍCH CÁCH MẠNG VÙNG BIỂN ĐẢO KHÁNH HÒA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐỊA PHƯƠNG

25/01/2021 00:00        
Đọc tin

Th.s Nguyễn Thị Hồng Tâm
Hội Bảo tồn di sản văn hóa và du lịch tâm linh Khánh Hòa

Khánh Hòa là xứ trầm hương
Non cao biển rộng người thương đi về

Khánh Hòa - Xứ Trầm hương có biển rộng, với bờ biển phía đông chiều dài theo đường chim bay khoảng 160km, tạo nên vùng bờ biển dài 385km (tính theo mép nước) và khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ cùng các đảo san hô trong quần đảo Trường Sa.

Khánh Hòa thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, có chiều nghiêng theo hướng Tây – Đông, nằm trong khoảng vĩ độ từ 12052’15” bắc đến 11042’50” bắc và kinh độ 108040’33” đông đến 109027’55” đông. Khánh Hòa giáp với bốn tỉnh gồm: Phía Bắc giáp tỉnh Phú Yên, Nam giáp tỉnh Ninh Thuận, Tây giáp tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng, riêng phía đông giáp biển Đông. Điểm cực Đông trên đất liền của Khánh Hòa nằm tại mũi Hòn Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh và cũng là điểm cực đông trên đất liền của nước ta. Vì vậy, Khánh Hòa là một trong những tỉnh có vị trí đặc biệt quan trọng. Địa bàn tỉnh nằm trên trục giao thông Bắc Nam đường bộ, đường sắt, đường biển và là cửa ngõ của Tây Nguyên xuống đồng bằng qua quốc lộ 26. Tỉnh có cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và những vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh tạo nên những cảng biển nổi tiếng trên thế giới về độ rộng, độ sâu và kín gió.

1.Lược sử hình thành tỉnh Khánh Hòa

- Khánh Hòa như một miền Trung thu nhỏ với đầy đủ những tính chất của nó, giống như một nhận định cho rằng: Là một Việt Nam nhỏ bé song rất đa dạng về các hệ sinh thái, về ngữ hệ - tộc người và về văn hóa, theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này là lối sống và lề lối ứng xử với các quan hệ con người - tự nhiên - xã hội và lịch sử[1].

- Các nhà khoa học đã khẳng định Khánh Hòa là vùng đất cư trú của những cư dân bản địa thuộc nền văn hóa tiền Sa Huỳnh, tồn tại trong khoảng thiên niên kỷ II trước Công nguyên. Điều đó đã được minh chứng qua các kết quả khảo cổ học như: Di chỉ Xóm Cồn (phường Cam Linh, thành phố Cam Ranh), di chỉ Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang)… Văn hóa Xóm Cồn thuộc thời đại sơ kỳ kim khí là một trong những cội nguồn văn hóa Sa Huỳnh - sơ kỳ Chămpa, là chiếc cầu nối văn hóa giữa lưu vực sông Đồng Nai với khu vực miền Trung và Tây Nguyên[2]. Tiếp đó, khảo cổ học đã phát hiện và khai quật di chỉ Hòa Diêm (xã Cam Phước Đông, thành phố Cam Ranh), di chỉ Diên Sơn (xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) thuộc thời đại đồ sắt càng khẳng định sự xuất hiện của văn hóa Sa Huỳnh ở Khánh Hòa, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500 - 3.000 năm. Những thành quả đó của cư dân cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh đã góp phần tạo nên vùng đất Khánh Hòa, mà trực tiếp là góp phần quan trọng trong việc hình thành và phát triển vương quốc Chămpa nói chung và vùng đất Kauthara nói riêng. Thậm chí có nhà khoa học còn nhận định rằng: "Văn hóa Chămpa nảy sinh từ văn hóa Sa Huỳnh, người Chămpa cổ là con cháu người Sa Huỳnh cổ"[3].

- Có thể nhiều người nghĩ trong quá trình Nam tiến, mỗi lần mở rộng phạm vi quốc gia Đại Việt, người Việt tiến sâu về phương Nam thì người Chăm càng co dần về tụ cư ở vùng đất thuộc Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Thực ra, một bộ phận người Chăm vẫn bám trụ quê hương, cộng cư với cộng đồng người Việt mới nhập cư và diễn ra quá trình người Chăm đồng hóa với người Việt[4]. Điều đó được thể hiện rất rõ trên vùng đất Kauthara. Người Việt chiến thắng về quân sự nhưng trong công cuộc chinh phục vùng đất Kauthara lại bị văn hóa người Chăm chinh phục ngược trở lại để rồi người Việt tiếp biến và dung nạp những yếu tố văn hóa bản địa tương đồng với tâm thức và truyền thống văn hóa của mình.

- Theo bước chân chúa Nguyễn vào Nam khai hoang lập ấp ở giữa thế kỷ XVII, những cư dân mới của vùng đất Kauthara mang theo cả hoài bão tạo lập nên cuộc sống sung túc. Có lẽ vì vậy, chúa Nguyễn Phúc Tần đặt tên cho vùng đất này là dinh Thái Khang với ngụ ý mong muốn đây sẽ trở thành vùng đất thái bình, thịnh vượng và cử cai cơ Hùng Lộc Hầu cai quản vùng đất mới. Dinh Thái Khang gồm hai phủ Diên Ninh và Thái Khang với năm huyện: Phước Điền, Hoa Châu, Vĩnh Xương thuộc phủ Diên Ninh và Tân Định, Quảng Đức thuộc phủ Thái Khang. Thủ phủ của dinh Thái Khang đặt ở phủ Quảng Đức (nay là thị xã Ninh Hòa)[5].

- Tên tỉnh Khánh Hòa được hình thành năm 1832, dưới triều vua Minh Mệnh. Sau mấy lần dinh Thái Khang được đổi tên gọi, đến năm 1832 vua Minh Mệnh ban chiếu đổi các trấn thành tỉnh nên trấn Bình Hòa được đổi thành tỉnh Khánh Hòa. Chỉ có 80 năm dưới thời Nguyễn, từ đời vua Gia Long (1802 - 1819) đến cuối đời Tự Đức  (1847 - 1883), nhân dân có cuộc sống thái bình thịnh trị, được yên ổn làm ăn. Sau đó là giai đoạn nước ta trải qua nhiều biến động lịch sử. Sau khi thực dân Pháp chiếm lục tỉnh Nam kỳ, nhân dân Khánh Hòa cũng như người dân cả nước bước vào thời kỳ những cuộc chiến tranh kéo dài chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đến mùa Xuân năm 1975, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta được hoàn toàn thống nhất và từ đó nhân dân Khánh Hòa cùng cả nước có cuộc sống hòa bình và độc lập dân tộc.

[1] Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr 454.
[2] Sđd
[3] Nguyễn Duy Hinh (2010), Người Chăm - Xưa và Nay, Nxb Từ điển Bách Khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội.
[4] Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr 277.
[5] Địa chí Khánh Hòa (2003), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 69.

2.Sơ lược lịch sử hình thành một số di tích cách mạng vùng biển đảo Khánh Hòa

- Trong chiến tranh, những căn cứ cách mạng được hình thành và sống trong lòng địch, những chiến sỹ cách mạng kiên cường bám trụ bảo vệ quê hương xóm làng. Những căn cứ cách mạng của Khánh Hòa đều ở vùng rừng núi nông thôn như: Tô Hạp (Khánh Sơn), Đá Bàn (Ninh Hòa), Hóc Chim (Vạn Ninh), Hòn Dù và Hòn Dữ (Khánh Vĩnh), hay ở những xã ven biển và hải đảo như Đồng Bò (Nha Trang), Hòn Hèo (Ninh Hòa)... Bảo tồn và phát huy giá trị những di tích cách mạng đó cũng góp phần xây dựng nông thôn Khánh Hòa phát triển trong tình hình mới. Một số di tích cách mạng ven biển, đảo đã và đang có những dự án tôn tạo, phát huy giá trị di tích để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 * Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển)

 - Hoàn cảnh lịch sử: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, để chi viện vũ khí, trang bị cho cách mạng miền Nam, cùng với đường Hồ Chí Minh trên bộ; theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân Đoàn 125 tổ chức đường vận chuyển trên biển mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Đặc biệt, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tàu C235 đã sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khi xuất phát, Tàu C235 gồm 20 cán bộ, chiến sĩ do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm Thuyền trưởng và Trung úy Nguyễn Tương làm Chính trị viên, chỉ huy.

- Sự kiện lịch sử liên quan đến di tích: Tàu C235 có 2 chuyến đi:

+ Chuyến thứ nhất xuất phát lúc 18h 30 phút ngày 6/02/1968, chở 16 tấn vũ khí rời cảng ở căn cứ A2 vào bến Hòn Hèo (thôn Đầm Vân - nay là thôn Tây, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa). Ngày 10 tháng 2, khi còn cách bờ 38 hải lý, tàu bị tàu chiến và máy bay địch bám theo. 12 giờ ngày 11/2, Sở chỉ huy lệnh cho tàu quay trở lại cảng A3. Ở A3, tàu được ngụy trang và sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp.

+ Chuyến thứ hai, Tàu C235 rời bến lúc 11 giờ 30 phút ngày 27/2 từ vị trí A3. Đến 18 giờ ngày 29/2 khi đến ngang vùng biển Nha Trang, Tàu C235 bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Lúc 23 giờ 30 phút, tất cả đèn của tàu địch đều tắt, chúng phục kích, theo dõi tàu ta bằng ra đa. Trước tình hình đó, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh khôn khéo điều khiển Tàu C235 luồn lách qua đội hình tàu địch và đã đến được bến lúc 0 giờ 30 phút ngày mùng 1/3. Không gặp các đồng chí ở bến đón hàng, đồng chí Vinh lệnh khẩn trương cho hàng xuống nước. Chừng 1 giờ sau, hàng trên tàu vơi dần. Lúc này là 1giờ 30 phút ngày mùng 01/3. Phía ngoài, 3 tàu chiến ngụy có phiên hiệu Ngọc Hồi, HQ 12, HQ 617 thuộc Vùng 2 Duyên hải và 4 tàu khác thuộc Duyên đoàn 25 của chúng lập tức được điều đến vùng biển phía bắc Nha Trang khép chặt vòng vây với ý định bắt sống các thủy thủ trên tàu. Thả hàng xong, Thuyền trưởng Phan Vinh viết điện báo cáo Sở chỉ huy, đồng thời cho tàu chạy ven bờ xuôi xuống Đầm Vân (nay là xã Ninh Vân) chừng độ mươi hải lý, nhằm mục đích giữ bí mật không để lộ vị trí thả vũ khí. Tàu địch lập tức đuổi theo, bật đèn pha và điện cho nhau chiếc tàu nào không bật đèn là tàu “Việt cộng”. Cuộc săn đuổi Tàu C235 mà sau này địch gọi là chiếc tàu “ma” rất quyết liệt. Chúng nã đạn dữ dội rồi gọi máy bay đến thả pháo sáng và bắn rốc-két. Trong lửa đạn, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bình tĩnh chỉ huy anh em chiến đấu và điều khiển tàu chạy sát bờ. Các thủy thủ Thật, Phong liên tiếp dùng DKZ 14 ly 5 bắn về phía tàu địch, một chiếc bốc cháy và không dám vào gần.

Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Hỏa lực của địch liên tục bắn vào tàu ta, năm cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã hy sinh, hai người bị thương nặng, 7 người bị thương nhẹ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh bị mảnh đạn xượt qua đầu. Anh tự băng bó và vẫn đứng trong buồng lái động viên mọi người chiến đấu. Anh có ý định phá vòng vây bởi ngoài khơi dễ cơ động, nếu cần thì áp sát tàu địch và cho nổ tàu tiêu diệt địch. Nhưng rất không may, lúc đó máy tàu hỏng nặng. Ý định phá vòng vây không thành. Phương án hủy tàu các thủy thủ trên tàu xác định.

Thuyền trưởng chỉ huy cho tàu di chuyển vào sát bờ. Lúc đó khoảng 2 giờ 20 phút, tàu cách bờ hơn 100 mét và tổ chức đưa đồng đội đã hy sinh và bị thương vào bờ, sau đó chuẩn bị điểm hỏa cho nổ tàu. Các đồng chí Vinh, Thứ và An cài kíp nổ ở khoang máy, các vị trí khác do các đồng chí Khung, Thật, Mai đảm nhiệm. Kiểm tra xong, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và đồng chí Thứ cho nổ tàu.

Lúc 2 giờ 40 phút, ngày 01/3 tàu điểm hỏa, một cột lửa bùng lên và nổ dữ dội, chấn động tới Nha Trang. Sức công phá của khối thuốc nổ khiến Tàu C235 đứt đôi, một nửa chìm xuống biển, một nửa văng lên lưng chừng mũi Bà Nam (xã Ninh Vân).

Lúc này cán bộ, chiến sỹ tàu C235 rút lên bờ còn lại 9 đồng chí, địch tiếp tục lùng sục, tấn công. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ chốt chặn kiên cường chống trả, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, sức lực kiệt, vết thương ngày một nặng, súng không còn đạn, các anh đã hy sinh. Khi ấy, Trung úy, Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mới ở tuổi 35. Sự hy sinh của anh và đồng đội đã trở thành bất tử trong lực lượng Hải Quân và quân dân cả nước.

14 cán bộ, chiến sỹ tàu C235 đã anh dũng hy sinh. Tàu C235 còn lại 7 đồng chí, tất cả đều thương tích đầy mình. Anh em cố gắng dìu nhau di chuyển khắp vùng núi đá Hòn Hèo để tránh sự lùng sục của địch và tìm du kích bến. Mười một ngày phơi dưới nắng, không lương thực, không nước uống, những chiến sĩ Tàu C235 kiệt sức. Đến ngày thứ 12 các cán bộ chiến sĩ mới liên lạc được với du kích ở bến và lúc này chỉ còn lại 05 đồng chí. Sau thời gian điều trị và phục hồi sức khỏe, họ đã vượt núi, băng qua đại ngàn Trường Sơn và trở lại miền Bắc tiếp tục nhận nhiệm vụ mới.

Năm 1993, Lữ đoàn 125 đã cùng Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương cho xây dựng Bia tưởng niệm 14 cán bộ, chiến sĩ Tàu C235 tại mũi Bà Nam, xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa. Phía trước là mặt biển, phía sau là núi rừng bao bọc. Bia làm bằng chất liệu đá rửa, cao 2 mét, rộng 1mét. Mặt trước khắc nội dung về sự kiện Tàu C235. Mặt sau ghi tên tuổi, năm sinh, quân hàm, chức vụ, quê quán của 14 cán bộ, chiến sĩ. Phía bên phải bia tưởng niệm còn một số mảnh vỡ của Tàu C235. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, ngày 1/3 (ngày giỗ các liệt sĩ), ngày 27/7 (ngày thương binh liệt sĩ) tại Địa điểm lưu niệm Tàu C235 đại diện chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, học sinh và Học viện Hải quân tiến hành lễ tưởng niệm, nghi thức diễn ra rất trang nghiêm, long trọng.

Với giá trị tiêu biểu về lịch sử, quân sự, sự chiến đấu và anh dũng hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ tàu C235 thể hiện tính nhân văn cao đẹp và sâu sắc, thể hiện truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày 26/4/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định số 1262/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Nhà tưởng niệm 14 anh hùng liệt sĩ Tàu C235

* Địa điểm Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn Thị

 - Đặc điểm Hòn Thị:

Hòn Thị là hòn đảo lớn nhất nằm giữa đầm Nha Phu; có đỉnh cao 220m[1]. Đầm Nha Phu là một trong những đầm, vịnh lớn của tỉnh Khánh Hòa, nằm giữa bán đảo Hòn Hèo và bờ biển Ninh Hòa – Nha Trang; là đầm rộng, sâu, kín gió và thuyền bè có thể ra vào thuận lợi. Đầm Nha Phu còn có nhiều đảo khác như: hòn Cù Lao, hòn Sầm, hòn Lăng … Theo Đại Nam nhất thống chí, đầm Nha Phu là “Vũng Nha Phu: Ở phía Đông huyện Quảng Phước 36 dặm, bao quanh hơn 70 dặm. Trong vũng có nhiều hòn đảo đứng lô nhô như đảo Trân Thị, đảo Tiên, đảo Trạch, đảo Cù[2].

“Hòn Thị có chu vi 6.750m và cách đất liền khoảng 3km, trên đảo có nhiều gộp đá khá hiểm trở và lại có nguồn nước ngọt, thuận lợi cho sinh hoạt. Bởi vậy, nơi đây trong suốt một thời gian dài luôn là một căn cứ thủy quân quan trọng  của phong trào Tây Sơn, khởi nghĩa Trịnh Phong, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945 – 1954 của nhân dân tỉnh Khánh Hòa” [3].

Địa hình Hòn Thị là núi đá nhiều gộp liên hoàn, chiều dài từ đông sang tây khoảng hơn 1.200m. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, các lực lượng vũ trang và cơ quan dân chính Đảng của tỉnh Khánh Hòa đều đóng ở căn cứ Hòn Hèo; ở Hòn Thị là một bộ phận sản xuất của liên Trung đoàn 80 – 83 và một Tổ may quân trang thuộc Tỉnh đội Khánh Hòa [4].

  - Lịch sử hình thành di tích:

Hòn Thị còn có tên chữ là Cù Sơn. Hòn Thị có lợi thế thiên nhiên với nhiều gộp đá rộng lớn tạo thành hang, ngách, động liên hoàn có thể di chuyển ngầm dưới sâu từ đầu đến cuối đảo; quan sát được một diện rộng trên biển; có thế tốt cho phòng ngự; có một bộ phận dân cư sinh sống trên đảo; có điều kiện đưa cán bộ vào đô thị (vùng địch tạm chiếm) một cách hợp pháp, hoặc đưa cán bộ cơ sở từ bên trong đô thị ra căn cứ đều thuận lợi.

Đầu năm 1947, sau khi thực dân Pháp củng cố Nha Trang là Quân khu cho miền Nam Trung bộ (secteur militaire), các lực lượng cách mạng kháng chiến phải phân tán lập căn cứ, không thể tập trung sát Nha Trang. Ông Nguyễn Chánh (tức Chánh Thẹo), nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động, Trưởng cơ quan tình báo quân sự Khánh Hòa đã cho bộ phận tiền trạm đến Hòn Thị tháng 3/1947 và giữa năm 1947 di chuyển toàn bộ đơn vị từ Hòn Tre đến Hòn Thị. Chi Tình báo lúc đó khoảng 25 người, gồm chỉ huy, cán bộ nghiên cứu, cán bộ cơ động, hậu cần, bảo vệ, liên lạc…

Với đặc điểm địa hình tự nhiên thuận lợi, nên các bộ phận không cần dựng lán trại, phân chia các gộp đá thành nơi làm việc, tiếp khách, nơi ăn ở sinh hoạt, nơi ẩn nấp khi có địch càn quét, kho dự trữ lương thực…

 - Một số hoạt động của Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn Thị:

Phạm vi hoạt động của Chi tình báo Khánh Hòa và Phân ban tình báo liên khu V trải rộng từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Nha Trang ra tới Quảng Nam… Sau khi ổn định nơi ăn, chốn ở và công tác tổ chức, Chi Tình báo Khánh Hòa tăng cường cho Tỉnh đội Khánh Hòa để xây dựng và củng cố tổ chức Quân báo của Tỉnh đội: tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ nghiệp vụ … Sau một thời gian, Quân báo tỉnh đội Khánh Hòa hoạt động có hiệu quả hơn, cung cấp nhiều tin tức về âm mưu của địch, phục vụ chiến đấu cho lực lượng vũ trang địa phương, giúp cho địa phương làm tốt công tác diệt tề, trừ gian, chống khủng bố, càn quét của địch.

Năm 1947, để phá tan chỗ dựa của lực lượng kháng chiến, giặc Pháp đã dồn dân từ đảo Hòn Thị vào đất liền nhưng có khoảng 10 gia đình vẫn ở lại sinh sống trên đảo. Phòng nhì của địch phát hiện được cơ quan tình báo kháng chiến tồn tại ngay sát Quân khu Nha Trang. Trong suốt bảy năm (từ 1947 – 1954) kháng chiến, mặc dù có những cuộc hành quân càn quét vào căn cứ Hòn Thị với quy mô tiểu đoàn phối hợp, trung đoàn… của địch nhưng ta vẫn bảo toàn được căn cứ; có lúc các chiến sỹ của ta phải ẩn dưới các gộp đá 21 ngày đêm, buộc địch phải rút quân. Đó là cuối năm 1948, một đoàn cán bộ của tỉnh Khánh Hòa từ Hòn Hèo sang Hòn Thị công tác. Đoàn vừa đến Hòn Thị thì tàu địch vây ráp, quân lính của hải – lục – không quân Pháp vào căn cứ Hòn Hèo và Hòn Thị đánh phá cơ quan cách mạng đầu não của ta. Đây là cuộc càn quét dài ngày, có quy mô của địch. Ẩn nấp trong hang, các cán bộ cách mạng phải lần tìm ở các gộp đá và thấy được một dòng nước nhỏ chảy từ khe đá, hứng từng chén con và đổ vào bi đông làm nước uống; buổi tối, theo hướng ánh sáng đến một cửa hang giáp với rẫy của dân để tìm lương thực như: bắp, khoai mì, bầu, bí làm thức ăn. Du kích Hòn Thị tuy ít người nhưng luôn theo dõi và bám sát địch trong suốt trận càn, khiến cho chúng mất ăn mất ngủ, đêm phải rời đảo về tàu rồi bắn đại bác cầm chừng lên đảo. Sau 21 ngày đêm ráo riết lùng sục, thả lựu đạn vào trong hang và bắn đại bác nhưng quân và dân ta vẫn kiên cường bám trụ căn cứ, rút sâu vào ẩn nấp trong hang nên buộc chúng phải rút quân, trả lại sự bình yên cho đảo.

Đầu năm 1949, theo yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi phải có sự tập trung trong chỉ đạo hoạt động tình báo trên các chiến trường, Cục Tình báo, Bộ tổng chỉ huy chỉ đạo tiến hành hợp nhất Ban tình báo Khu 5, Khu 6, Khu 15 thành Ban Tình báo Liên khu 5 [5]. Sau đó, một bộ phận đặc biệt Tình báo Liên khu 5 do các đồng chí Nguyễn Văn Hội, Lê Văn Hoàng phụ trách, từ Vũng Đình Hòn Hèo chuyển đến đóng quân ở Hòn Thị, bên cạnh Chi tình báo Khánh Hòa. Tính chất đặc biệt của công tác là sự cơ động cho cán bộ hoạt động dễ dàng ra vào vùng địch, điều kiện giao thông thông suốt từ nội đô ra căn cứ và ngược lại. Căn cứ Hòn Thị đáp ứng yêu cầu trên và được xây dựng thành bàn đạp vững chắc cho cơ quan tình báo Khánh Hòa và cho cả Liên khu 5, nhằm hướng phát triển cơ sở điệp báo vào các trung tâm đô thị lớn phía nam và Tây Nguyên như: Sài Gòn, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, …do vậy, xây dựng căn cứ Hòn Thị là nhiệm vụ quan trọng mà Bộ tư lệnh Liên khu 5 đã giao cho Tình báo Khánh Hòa.

Từ năm 1950 đến năm 1954, Tình báo Liên khu 5 đã xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở “đi sâu”, thu thập nhiều tin về tình hình đồn trú, bố phòng, hành quân của Pháp và ngụy quân trên các chiến trường, trong từng thời điểm có giá trị như: tin về sự phát triển binh lực ngụy quân trên miền Bắc và Trung, Hạ Lào; sự vận chuyển lớn của địch trên chiến trường; tin tức về càn quét, khủng bố, đôn quân bắt lính của địch. Đặc biệt tin Pháp thành lập các đơn vị kỵ binh ứng cứu nhỏ và tin về cuộc hành quân Atlanta được cấp trên đánh giá cao.

Chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, theo kế hoạch Nava, Pháp đã tập trung binh lực lớn ở miền Trung mở cuộc hành quân Atlanta với ý đồ phân tán mỏng lực lượng của ta, tiêu diệt chủ lực Liên khu 5, nhằm chia sẻ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bằng Bắc bộ. Tình báo Liên khu 5 (Tình báo Nha Trang – Khánh Hòa[6]) đã khai thác được tin qua mật mã của địch và tổ chức lấy được Kế hoạch Atlanta kịp thời báo cho Bộ tư lệnh Liên khu 5 giúp cấp trên triển khai lực lượng đập tan cuộc hành quân quy mô lớn của Pháp [7].

Cùng với chiến trường hai miền Nam, Bắc, Tình báo Liên khu 5 (trong đó có Tình báo quốc phòng Khánh Hòa) đã góp phần hoàn thành đường lối chỉ đạo của Đảng, của Bộ Tổng tư lệnh phá tan các chiến lược chiến tranh của địch, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Di tích Địa điểm Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn thị đã được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh tại quyết định số 2598/QĐ-CT.UBND ngày 18/9/2015.

Di tích Chi Tình Báo Khánh Hòa tại Hòn Thị

[1] Địa chí Khánh Hòa (2003), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr 20.
[2] Đại Nam nhất thống chí (2012), Nxb Lao động, Hà Nội, tr 644.
[3] Nguyễn Công Bằng (2008), Đôi nét về đảo Hòn Thị trong lịch sử, Tạp chí Khoa học Công nghệ và Môi trường Khánh Hòa, Số 2, tr 24.
[4] Lời kể của ông Trần Khánh Lân, sinh năm 1930, địa chỉ: 27 Trịnh Phong, tp. Nha Trang.
[5] Cục 11 (Tổng cục II) (2012), 30 năm Bản hùng ca thầm lặng, Xưởng in V78 – Tổng cục II, tr 16.
[6] Lời kể của ông Kiều Xuân Cư, sinh năm 1925, địa chỉ: số 7 Ngô Thời Nhiệm, tp. Nha Trang.
[7] Sđd, tr 17.

 * Căn cứ cách mạng Đồng Bò

Rừng “Bắc Khánh” mồ chôn xác giặc
Núi Đồng Bò bao xác thù phơi

Câu thơ trên đã thể hiện phần nào tính chất lịch sử chứng tích Đồng Bò. Đây là căn cứ cách mạng có bề dày lịch sử đã gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng Bò được Tỉnh ủy Khánh Hòa chọn làm căn cứ kháng chiến. Ngày nay, Căn cứ cách mạng Đồng Bò thuộc xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ còn có những tên gọi như: Núi Đồng Bò, núi Hoàng Ngưu. Đại Nam Nhất thống chí ghi: “Núi Hoàng Ngưu: Ở phía Đông Nam huyện Vĩnh Xương sáu dặm. Thế núi cao vút, chu vi hơn 100 dặm, cỏ cây xanh tốt, phía Bắc gối lên bờ biển, phía Nam ngó xuống Biển Cạn”[1].

- Đặc điểm của di tích:
Đồng Bò là núi cao, có hình vòng cung theo hướng Tây – Đông và là điểm giáp ranh giữa thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm. Do có địa thế hiểm trở, trên núi có nhiều hang, gộp đá cùng với hệ thực vật phong phú với nhiều cây cổ thụ nên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 – 1975) đây là nơi đứng chân của các lực lượng cách mạng địa phương.

Căn cứ cách mạng Đồng Bò gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam; trong đó đặc biệt là cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân huyện Vĩnh Xương và thị xã Nha Trang trong suốt hai cuộc kháng chiến đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Phạm vi phân bố của khu căn cứ rất rộng và các sự kiện lịch sử diễn ra trong một thời gian dài.

- Lịch sử hình thành di tích:
Trong hai cuộc khánh chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc Việt Nam, Khánh Hòa là một tỉnh bị địch tạm chiếm. Bởi Khánh Hòa có vị trí địa lý chiến lược về quân sự: vịnh Cam Ranh là nơi án ngữ biển Đông có lợi thế về quân sự, là cửa ngõ của các tỉnh Tây Nguyên nên Khánh Hòa là nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch với lực lượng chiếm đóng rất đông, cùng với các loại phương tiện chiến tranh hiện đại nhất nhằm đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta. Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Mỹ chọn Nha Trang là nơi đóng quân của Sở chỉ huy quân Mỹ và chư hầu, cùng với nhiều Bộ chỉ huy Quân đoàn, Sư đoàn và hệ thống ngụy quân, ngụy quyền của địch.

Ngay sau khi mới dành được thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, chỉ hơn một tháng sau ngày độc lập dân tộc, quân và dân Nha Trang – Khánh Hòa đã phải bước vào cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, với 101 ngày đêm bao vây quân Pháp trong thành phố (23/10/1945 – 02/2/1946). Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đoàn quân Nam tiến từ khắp mọi miền của Tổ quốc về đây cùng tham gia chiến đấu và dành được nhiều thắng lợi quan trọng. Những thành công ở Mặt trận Nha Trang – Khánh Hòa là bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong chỉ đạo chiến lược của Đảng, đặc biệt là trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Ngày 22/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi quân và dân Mặt trận Nha Trang: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ các mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc.Tổ quốc biết ơn các bạn. Toàn thể đồng bào noi gương các bạn.  Đây không chỉ là sự đánh giá cao của Trung ương Đảng mà còn là nguồn động viên rất lớn đối với phong trào cách mạng tỉnh Khánh Hòa trong những giai đoạn tiếp theo.

Sau khi Mặt trận Nha Trang bị vỡ (đầu tháng 2/1946) hầu hết lực lượng Dân, Chính, Đảng ở Khánh Hòa đều rút lên vùng núi để bảo tồn lực lượng, tiếp tục phong trào kháng chiến và khu vực Đồng Bò là một địa điểm đóng quân của các lực lượng cách mạng Khánh Hòa. Không chỉ có các cơ quan, đơn vị của Nha Trang, Vĩnh Xương mà còn có nhiều bộ phận khác đóng quân ở Đồng Bò như: Tình báo chiến lược, Đội Vận tải đường thủy của Liên khu V cũng đóng quân ở vườn dừa Sông Lô. Di tích có ba cụm tiêu biểu nhất:

- Cụm di tích vườn dừa Sông Lô: thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954). Cụ di tích Vườn dừa Sông Lô tiêu biểu cho giai đoạn chống thực dân Pháp, tại nơi đây ta đã giữ vững liên lạc bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong tháng 2 năm 1947 trên đường ra Chiến khu Việt Bắc và là nơi Trạm tình báo Liên khu V, Trạm xá, LLVT của ta đóng quân ở.

- Cụm di tích Gộp Mậu Thân 1968: giai đoạn chống đế quốc Mỹ Xâm lược từ năm 1960 – 1970. Cụm di tích Gộp Mậu Thân 1968 còn được gọi là Cụm di tích Gộp Ông Phật: Tiêu biểu cho giai đoạn 1955 -1968 bao gồm gộp Thị ủy, Gộp leo dây, trạm xá; đây là những gộp đá tự nhiên xếp chồng lên nhau tạo thành hang đá luồn sâu vào lòng núi. Có những gộp rất lớn như Gộp Thị ủy, có thể nuôi dấu được hàng trăm người, địch đã nhiều lần càn quét lên đây nhưng không tiêu diệt được lực lượng đóng ở đây.

- Cụm di tích Gộp Suối Lùng: giai đoạn chống đế quốc Mỹ Xâm lược từ năm 1970 – 1975. Cụm di tích Gộp Suối Lùng: Tiêu biểu cho giai đoạn 1969 – 1975. Đây là những gộp đá tự nhiên, miệng hang thường khá hẹp, lại được cây cối che phủ kín. Riêng Gộp Thường vụ (bao gồm cả Gộp Thị ủy), vào năm 1969 – 1972 quân Mỹ, chư hầu Nam Triều Tiên và quân Ngụy Sài Gòn đã nhiều lần dùng bom pháo tập trung đánh phá khu vực này, sau đó chúng dùng trực thăng đổ quân xuống từ đỉnh núi, nhưng không thể tiêu diệt được ta, ngược lại quân ta đã lợi dụng địa hình hiểm trở, đánh trả gây tổn thất nặng nề cho địch.

Căn cứ Đồng Bò là chứng tích lịch sử thể hiện sự gắn bó quân dân trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhờ sự đùm bọc, che chở và sự tiếp tế, bảo vệ của quần chúng nhân dân mà căn cứ tồn tại sát lòng địch suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cùng với những căn cứ cách mạng trong tỉnh Khánh Hòa như: Hòn Tre, Hòn Hèo, Hòn Dù, Hòn Dữ, Tô Hạp, Hóc Chim, Đá Bàn… căn cứ cách mạng Đồng Bò là niềm tự hào sâu sắc về truyền thống cách mạng, là niềm biết ơn vô hạn của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau khi nhớ về quá khứ hào hùng của thế hệ những chiến sỹ Cộng sản Khánh Hòa đã vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Di tích căn cứ cách mạng Đồng Bò

 

3.Giá trị di tích cách mạng vùng biển đảo Khánh Hòa - Di tích quốc gia Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển): sự kiện lịch sử và những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh cùng các đồng đội Tàu C235 đã đi vào lịch sử và những áng văn chương. Ngày 25/8/1970, Trung úy, Thuyền trưởng liệt sỹ Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quần đảo Trường Sa - nơi đón ánh bình minh đầu tiên của đất nước Việt Nam, có một hòn đảo được mang tên anh – đảo Phan Vinh. Hiện nay, di tích đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt dự án tôn tạo cảnh quan môi trường và xây dựng nhà truyền thống trưng bày các hình ảnh liên quan tới sự kiện trên.

 - Di tích cấp tỉnh Địa điểm Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn Thị: Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Hòn Thị trở thành một di tích lưu dấu những năm tháng hoạt động của Chi tình báo Khánh Hòa trong lịch sử. Đóng góp của ngành Tình báo quân sự phía Nam đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ chiến thuật, chiến đấu và chiến lược của lược lượng cách mạng. Trong đó, có sự đóng góp của Chi tình báo Khánh Hòa (một bộ phận Tình báo chiến lược Liên khu 5) tại căn cứ Hòn Thị, đã dũng cảm, kiên cường, mưu lược và sáng tạo, thể hiện tinh thần yêu nước của các chiến sỹ tình báo. Sống sát kẻ thù trong điều kiện khó khăn nhưng các chiến sỹ vẫn đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt từ nội thành ra vùng tự do, từ đồng bằng lên miền núi để cuộc chiến tranh đi đến thắng lợi cuối cùng. Năm 2002, Ban Tình báo Liên khu 5 (nay là Cục 11) được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bên cạnh giá trị lịch sử, Hòn Thị còn là một địa điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Nằm trong vịnh Nha Phu nổi tiếng về cảnh đẹp núi non, trời biển và nguồn lợi thủy sản phong phú, Hòn Thị có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Ở đây có bãi cát trắng mịn rất đẹp, kéo dài, kín gió và mật độ sâu vừa phải; lại có núi cao và hệ thống hang động nên rất có giá trị để khai thác du lịch biển và du lịch sinh thái, với các hoạt động như: tắm biển, lặn biển, trò chơi, thể thao… Hệ sinh thái rừng – biển còn khá hoang sơ và nằm trong tour du lịch các đảo là tiềm năng khai thác du lịch đảo Hòn Thị. Trong những năm qua, Công ty du lịch Long Phú đang khai thác du lịch ở Hòn Thị nhưng ở quy mô vừa phải; đưa khách lên tham quan nơi nuôi Đà Điểu và Sao La ngay gần bến tàu, chủ yếu khai thác kết hợp tour du lịch với các đảo xung quanh như Đảo Khỉ, Hòn Hèo (suối Hoa Lan). Hiện nay, đảo Hòn Thị đang được Công ty Khánh Hà khai thác và triển khai dự án xây dựng khu du lịch năm sao.

- Di tích lịch sử căn cứ Đồng Bò có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống di tích cách mạng gắn liền với lịch sử kháng chiến của quân và dân tỉnh Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng Bò là căn cứ cách mạng chỉ cách cơ quan đầu não của địch khoảng 05 km đường chim bay; là căn cứ rất thuận lợi cho ta, công thủ toàn diện và được chia thành 3 cụm di tích tiêu biểu. Bởi vậy, Trung tâm Bảo tồn di tích đang lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Căn cứ chiến khu Đồng Bò. Đó là căn cứ pháp lý để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đồng thời  còn thể hiện đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Căn cứ chiến khu Đồng Bò có địa hình nùi rừng còn khá nguyên vẹn cho nên đây sẽ là một điểm du lịch rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Hiện nay, Dự án tái hiện Căn cứ cách mạng Đồng Bò đã được UBND tỉnh giao cho Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện xong và Tập đoàn Hải Đăng đang khai thác Khu du lịch Hồ kênh Hạ là hồ thủy lợi ở dưới chân Căn cứ cách mạng Đồng Bò. Trong tương lai kết hợp du lịch sinh thái với du lịch về nguồn là dự á thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

1] Quốc sử quán triều Nguyễn, người dịch Hoàng Văn Lâu (2012), Nxb Lao Động, Hà Nội.

4. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cách mạng vùng biển đảo Khánh Hòa gắn với phát triển du lịch
 - Đối với Chính quyền và nhân dân địa phương: là nơi có những căn cứ cách mạng cần tích cực hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các đoàn thể như: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh… cần tích cực các hoạt động về nguồn nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Có những hoạt động thiết thực như Thị Đoàn thị trấn Tô Hạp, Xã Đoàn xã Ninh Phú đã chăm sóc, bảo vệ bia di tích Căn cứ cách mạng Tô Hạp và bia di tích Căn cứ cách mạng Hòn Hèo… Cần nhân rộng mô hình thành những công trình thanh niên hay tổ chức các hoạt động cắm trại, sinh hoạt dã ngoại nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng cho chính những người dân địa phương.

- Đối với các cấp, các ngành: Với tiềm năng và những lợi thế sẵn có, trong tương lai cần phát huy giá trị các di tích để trở thành địa chỉ đỏ du lịch về nguồn của tỉnh Khánh Hòa. Tỉnh Hà Tĩnh với sự hi sinh thầm lặng của 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc), hay Địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi), Thành cổ Quảng Trị… đã trở thành địa chỉ đỏ du lịch về nguồn thu hút du khách tham quan và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Những địa chỉ đỏ ở Khánh Hòa chưa được phát huy hiệu quả trong khai thác, phát triển du lịch. Chúng ta đã có những di tích, những câu chuyện lịch sử cảm động, những con người làm nên lịch sử, nhưng chúng ta còn thiếu sự chung sức gây dựng, khai thác phát triển du lịch ở các “địa chỉ đỏ”. Vì vậy, đây là thời cơ để Khánh Hòa khai thác những điểm du lịch mới, làm đa dạng, phong phú loại hình du lịch, thu hút các du khách và kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của họ. Từ đó, giúp người dân sống gần các căn cứ cách mạng có thể tham gia làm du lịch, có thêm công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và xây dựng quê hương giàu mạnh.

Bên cạnh đó, cùng với Hòn Thị, Đầm Vân, các căn cứ Hòn Hèo, Hòn Tre, Đồng Bò cũng là những di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu có thể đưa vào khai thác tour du lịch về nguồn bằng đường thủy. Những giá trị lịch sử, văn hóa và du lịch đầy tiềm năng, có thể kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, khám phá, du lịch sinh thái với du lịch về nguồn để giới thiệu di tích Địa điểm Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn Thị, Căn cứ cách mạng Đồng Bò và Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 cùng với Hòn Hèo, Hòn Tre nói chung đến với du khách trong và ngoài nước. Cần chung tay xây dựng những điểm trên trở thành một khu văn hóa – du lịch xứng tầm và là điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Khánh Hòa.

Tài liệu tham khảo:

  1. Địa chí Khánh Hòa (2003), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

  2. Đại Nam nhất thống chí (2012), Nxb Lao động, Hà Nội.

  3. Nguyễn Công Bằng (2008), Đôi nét về đảo Hòn Thị trong lịch sử, Tạp chí Khoa học Công nghệ và Môi trường Khánh Hòa, Số 2.

  4. Nguyễn Duy Hinh (2010), Người Chăm - Xưa và Nay, Nxb Từ điển Bách Khoa và Viện Văn hóa, Hà Nội.

  5. Quốc sử quán triều Nguyễn, người dịch Hoàng Văn Lâu (2012), Nxb Lao Động, Hà Nội.

  6. Ngô Đức Thịnh (2010), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

  7. Trần Quốc Vượng (1998), Việt Nam cái nhìn địa - văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

  8. Hồ sơ xếp hạng di tích Địa điểm lưu niệm sự kiện Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.

  9. Hồ sơ di tích Địa điểm Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn Thị lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.

  10. Hồ sơ di tích Căn cứ cách mạng Đồng Bò lưu trữ tại Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.
Bài viết được đánh giá:
Tổng số đánh giá: 1
 

Tin khác

breaker
TRẢI NGHIỆM TÌM HIỂU DI SẢN VĂN HÓA TẠI DI TÍCH THÁP BÀ PONAGAR VÀ DANH THẮNG HÒN CHỒNG
Ngày 07/4/2022, triển khai Kế hoạch số 105/KH-BTDT ngày 21/02/2022 của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa về việc Tìm hiểu di sản văn hóa tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, Trung tâm đã đón đoàn thầy cô và học sinh đến từ trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh) đến tham quan, trải nghiệm học tập tại di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng.
TRẨY HỘI AM CHÚA
Theo truyền thuyết, núi Đại An xưa kia là nơi giáng trần của đức Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Bà là người có công dạy dân cày cấy, kéo vải, dệt sợi và đặt ra lễ nghi… Nhờ công đức của bà nên ruộng nương trong vùng được mở rộng, đời sống người dân ngày thêm sung túc. Bà còn có công phù hộ giúp nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhớ ơn đức của bà nên người dân đã tạc tượng, lập đền thờ Am Chúa ở lưng núi Đại An nơi bà hiển Nhân. Hàng năm, vào ngày bà giáng trần, người dân lại tổ chức lễ hội với những màn hát văn, múa bóng, dâng hoa rất long trọng. Hiện nay, di tích Am Chúa đang lưu giữ được nhiều sắc phong có giá trị của triều đình nhà Nguyễn.